Ngày 17/4/2015, Bộ Nông nghiệp Australia đã có thư chính thức gửi Cục Bảo vệ thực vật- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với nội dung cho phép nhập khẩu trái vải Việt Nam vào thị trường Australia. Sau 12 năm đàm phán, cuối cùng thị trường vốn được coi là rất kỹ tính đã sẵn sàng đón nhận trái vải của Việt Nam. Tuy thời gian cấp phép ngay sát với thời điểm thu hoạch, nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, những chuyến hàng thử nghiệm đầu tiên đã vượt qua các khâu kiểm dịch khắt khe và có mặt tại các chợ đầu mối ở Australia.
Nhà nhà chờ vải...Thật khó có thể nói được hết cảm xúc của người Việt ở Australia, của các chủ doanh nghiệp, của các cán bộ cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia và của cả người tiêu dùng tại Xứ sở chuột túi khi tận mắt nhìn thấy trái vải Việt Nam trên thị trường Australia. Dân ta ở đây thì mừng quá khi có thêm mặt hàng nông sản chất lượng của đất nước xuất hiện tại thị trường nước ngoài. Người tiêu dùng bản địa thì hứng khởi vì được ăn vải ngon chẳng kém gì vải Austrlia vào thời điểm trái mùa. Trong khi đó, nhà phân phối trái vải thì giục giã: “Làm tới nữa đi, nhập vải nữa đi, tiêu thụ tốt lắm, đừng lo”.
Vải Việt Nam tại Australia. Ảnh: Quang Minh |
Đúng là mừng thật, nhưng thực tế vẫn còn nhiều chuyện phải lo. Australia có 23 triệu dân, mà theo một khảo sát gần đây mới có 11,2% người dân nước này ăn vải, do vậy cơ hội thị trường vẫn có thể được mở rộng. Nhưng vải là loại trái cây rất mau hỏng, do đó muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Bộ Nông nghiệp Australia, chúng ta cần hoàn thiện rất nhiều thứ.
Ngoài niềm vui, niềm tự hào, từ Đại sứ, Tổng Lãnh sự cho đến đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia đều còn đó những nỗi lo về triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu vải quả sang Australia. Bà Nguyễn Hoàng Thúy - Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết hiện tồn tại một bất cập là vùng trồng vải xuất khẩu chủ yếu nằm ở Bắc Giang và Hải Dương, trong khi cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn được cấp phép lại nằm ở khu vực phía Nam. Điều này làm cho việc vận chuyển trái vải qua nhiều công đoạn gây hao hụt chất lượng và gia tăng chi phí. Chưa kể việc hiện nay mới chỉ có một vài cơ sở đóng gói và chiếu xạ dẫn đến việc ít nhiều độc quyền về giá, do vậy trái vải khi xuất sang đến Australia thì chi phí đã đội lên 11-12 AUD/kg khiến rất khó cạnh tranh với các loại hoa quả khác.
Để xuất khẩu trái vải sang Australia, các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ các quy định về vệ sinh kiểm dịch của nước sở tại, nên kiểm tra trước dư lượng thuốc trừ sâu của vườn trồng xuất khẩu trước khi thu hoạch vì nếu kiểm tra tại cửa khẩu ở Australia, trái vải còn dư lượng thuốc trừ sâu chắc chắn sẽ bị tiêu hủy tại chỗ. Nếu doanh nghiệp vi phạm một lần, các lần xuất khẩu tiếp đó sang Australia sẽ bị kiểm tra ngặt nghèo hơn, chưa kể sẽ mất uy tín với khách hàng. Khi mọi giao dịch đã “vào guồng”, lúc đó trái vải Việt Nam mới có thể có được chỗ đứng trên thị trường Australia.
... ngày ngày chờ vảiTới thời điểm này, có thể nói người mong chờ nhất trái vải Việt Nam tại Australia là các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối. Chúng tôi đã có cả ngày chờ đợi tại nơi kiểm dịch ở Australia để cùng với các doanh nghiệp đón trái vải Việt Nam vào Australia. Nhưng số ngày chờ đợi không dừng ở con số một.
Dễ hiểu là việc giao dịch ban đầu sẽ có những trục trặc khó tránh, nhưng vấn đề thường là ở phía Việt Nam thì điều đó cho thấy chúng ta chưa có sự chuẩn bị thật kỹ càng. Một doanh nghiệp điển hình mà chúng tôi có thể nêu ra là Công ty TCT Export đóng tại Sydney. Không giống nhiều nhà quản lý doanh nghiệp khác, anh Hoàng Vi Cao rất thận trọng, nhưng cũng rất tự tin khi nhập vải quả Việt Nam vào Australia, tự tin chia sẻ mọi chuyện với cánh phóng viên chúng tôi về kế hoạch nhập hàng thử nghiệm cũng như dự định tương lai. Nhưng lô hàng đầu tiên của công ty bị giữ lại 3 ngày do thiếu giấy tờ chứng nhận kiểm dịch từ phía Việt Nam, rồi hàng có sâu, có lá, có cành, phải mất thời gian kiểm dịch lại, làm sạch lại. Rất may mắn khi ra tới thị trường, lô hàng của Công ty vẫn có mẫu mã và chất lượng tốt nhất trong số các lô thử nghiệm tại Úc.
Tới đợt hàng thứ hai, sự cố vẫn lặp lại: giấy tờ kiểm dịch có nhưng thiếu mã số, hàng vẫn “bẩn” như vậy. Lại bị ách lại, lại tiền lưu kho, lại lo tới ngày Thứ 6 mà không giải quyết xong thì phải chờ tới thứ 2 đầu tuần để xử lý tiếp, lo chất lượng quả vải xuống cấp, lo không biết lô hàng này có bị thụt ký so với thỏa thuận như lần trước hay không, rồi lo tính lỗ... Anh thở dài: “Anh nản quá em ạ. Em thấy cứ thế thì có nên làm tiếp hay không?”.
Từng có nhiều kinh nghiệm trong việc làm ăn tại Australia, anh Cao đánh giá Australia không phải hoàn toàn là thị trường khó tính. Trong vấn đề nhập khẩu vải quả Việt Nam, hàng của công ty anh đảm bảo chất lượng và mẫu mã do công ty đã gặp trực tiếp các doanh nghiệp Việt Nam thu hoạch vải từ Lục Ngạn, Bắc Giang, hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với những quy định tại Australia, từ đó các doanh nghiệp kết nối, không phải “tự bơi” sang Australia. Anh cho rằng người nông dân cần phối hợp với nhau và với các doanh nghiệp để có kho lạnh bảo quản vải quả ngay khi thu hoạch, chú ý đảm bảo khâu vệ sinh, rồi nhà chức trách nên bố trí kho lạnh tại sân bay, có container lạnh, nếu có thể thì hàng không nên hỗ trợ thêm về giá vận chuyển để hàng nông sản Việt Nam đến được ngày càng nhiều thị trường nước ngoài.
Trong khi các doanh nghiệp khác cũng đang nỗ lực nhập khẩu trái vải Việt Nam vào Australia, xin dẫn lời tâm sự của Đại sứ Lương Thanh Nghị trong lần trò chuyện với chúng tôi mới đây, rằng Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn nữa cho việc xúc tiến thương mại, chứ Australia không phải là một thị trường khó tính, ít nhất là với Việt Nam...