Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường.
Nhiều tiến bộ đã được áp dụng vào sản xuất như: giống mới, kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản, sản xuất có chứng nhận và nhất là tái canh cà phê đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
Việt Nam đã hình thành công nghiệp chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hệ thống kho bảo quản 2,36 triệu tấn/năm.
Đưa cà phê Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển như: Đề án phát triển cà phê bền vững, Đề án tái canh cà phê, Đề án sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê, Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng biến đổi khí hậu cùng với các gói kỹ thuật thâm canh. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất gắn với sản xuất an toàn, giảm phát thải các bon.
Để giảm bán hàng theo “bao”, tăng bán hàng theo “gói”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi sự đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu gắn với quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt.
Trong sản xuất cà phê, ông Lê Văn Đức chia sẻ, thách thức lớn về kỹ thuật, nguồn vốn và tổ chức sản xuất. Để sản xuất cà phê bền vững, nhiều địa phương đã phát triển trồng xen cà phê với các loại cây trồng khác như bơ, điều, sầu riêng… cho lợi nhuận trồng thêm từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta.
Cùng với đó, nhiều cơ sở, đơn vị đã tích cực đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ. Ngoài ra, việc xây dựng mã số vùng trồng đang được ngành nông nghiệp triển khai ở các địa phương.
Theo ông Lê Văn Đức, ngành cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu lớn gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Huy động người dân, doanh nghiệp tham gia tái canh cà phê, phát triển cà phê đặc sản, chế biến sâu cà phê.
Các địa phương cần rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê theo hướng: cà phê thâm canh nâng cao chất lượng; cà phê tái canh, ghép cải tạo bằng giống chất lượng cao, ưu tiên giống phù hợp cho chế biến sâu; hình thành các tiểu vùng sinh thái sản xuất cà phê đặc sản có liên kết với doanh nghiệp chế biến sâu.
Nhìn từ sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, Chủ tịch HĐQT Intimex Group chia sẻ, từ cung cầu cho thấy khó khăn nhất với cà phê Việt Nam là cà phê Brazil. Cà phê Brazil được sản xuất trên diện tích rất lớn nên giá rất cạnh tranh. Cà phê Việt Nam cần nhanh chóng tìm chỗ đứng cho mình bằng cách đầu tư vào chiều sâu. Cùng với đó là trồng các loại giống có năng suất cao và xây dựng thị trường hàng hóa bền vững như hiện nay ngành đang làm để tạo ra sự khác biệt. Như vậy, giá cà phê Việt Nam sẽ vẫn có được sự ổn định.
Để nâng cao giá trị cà phê cho nhà sản xuất, đảm bảo cuộc sống ổn định của người trồng cà phê, ông Đỗ Hà Nam cho rằng cần đẩy mạnh các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest, Fairtrade… với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, các nhà rang xay hàng đầu thế giới…
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2021-2022 đạt khoảng 1,73 triệu tấn, thay đổi không đáng kể so với niên vụ trước. Diện tích vùng trồng không đổi với trên 600.000 ha. Niên vụ 2021 - 2022, thời tiết thuận lợi, mưa đúng thời điểm trong giai đoạn gieo trồng, ra hoa, thu hái nên cà phê có chất lượng tốt, đồng đều.