Với yêu cầu cao từ khâu trồng trọt, sơ chế đến chế biến thành phẩm, năm 2021, cà phê bột Nguyễn Hân Coffee Farm vinh dự là 1 trong 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh của Gia Lai. Để có được thành quả này, Nguyễn Hân Coffee Farm đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến việc cung cấp những sản phẩm cà phê sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng trong và ngoài nước.
Anh Nguyễn Văn Hân, chủ cơ sở cho biết, để đạt chứng nhận OCOP 4 sao cho sản phẩm cà phê bột Nguyễn Hân Coffee Farm, anh đã áp dụng nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, từ lựa quả chín, rửa sạch, phơi trên giàn... đến chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài 6 ha cà phê của gia đình, anh Hân đang liên kết, hướng dẫn, thay đổi tư duy sản xuất cho 10 hộ dân trồng hơn 20 ha cà phê trong vùng để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, khẳng định thương hiệu. Đặc biệt, trong số những hộ dân trong nhóm liên kết này, có nhiều hộ là người dân tộc thiểu số đã thay đổi được tư duy sản xuất, từ đó thoát nghèo, thậm chí có cuộc sống khá giả hơn nhờ sản xuất cà phê sạch.
Anh Hân chia sẻ, trước đây cũng là hộ nghèo nên anh hiểu được cái khó của bà con dân làng. Họ trồng cà phê, cần nhanh có sản phẩm nên thường sử dụng phân bón hóa học thúc cây, trái phát triển. Tuy nhiên, sau vài năm khai thác, đất sẽ bị bạc màu, nhiễm bệnh, khiến vườn cây kiệt sức, mất năng suất.
Lớn lên cùng với buôn làng, anh Hân luôn trăn trở, tìm cách làm giàu trên chính vườn cây, mảnh đất của gia đình. Đi nhiều nơi để học tập kinh nghiệm, năm 2016, anh đã quyết định thay đổi tư duy sản xuất cà phê xưa cũ, bắt đầu từ việc cải tạo, làm sạch 6 ha đất gia đình. Mất 3 năm để vườn cà phê của gia đình anh ổn định, xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Siu Miên, làng Le II, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ cho hay, nhờ có anh Hân nên gia đình ông đã biết trồng cà phê sạch, cho năng suất, chất lượng cao, từ đó giá thành bán ra cũng cao hơn. Không chỉ gia đình ông Miên mà một số hộ xung quanh cũng thay đổi tư duy trồng cà phê mà cuộc sống đã khá giả hơn xưa. "Bây giờ, ai cũng làm cà phê sạch, mình không làm là lạc hậu", ông Miên bộc bạch.
Để có thương hiệu Nguyễn Hân Coffee Farm mà nhiều người đang hướng đến sử dụng, anh Hân đã áp dụng phương pháp chế biến cà phê đặc sản trên giống cà phê Robusta, giống cà phê được trồng chủ yếu ở huyện Đức Cơ. Sau khi có nguồn đất sạch, sử dụng phân bón hữu cơ phục hồi cây trồng, cây cà phê khỏe mạnh, cho trái, anh Hân cũng tuyển chọn hái thủ công khi quả cà phê chín đỏ, rồi cho vào máy rửa, một lần nữa chọn quả cà phê chín đều để sơ chế.
Để đạt chứng nhận OCOP 4 sao cho sản phẩm cà phê bột Nguyễn Hân Coffee Farm, anh Hân đã áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt, sử dụng kỹ thuật phơi trên giàn phơi cho ra nguyên liệu chất lượng tốt nhất để đưa vào chế biến. Khi phơi trên giàn, người phơi phải canh độ ẩm trong ngày để hong phơi một lần, hay ủ lại khi đủ độ ẩm. Trái cà phê khi phơi phải khô đều, nếu để nắng gắt sẽ làm khô quắt hạt bên ngoài, nhưng vẫn bị ẩm bên trong.
Trước khi đem vào rang xay, cà phê một lần nữa được chọn lọc, rang đúng nhiệt độ “độc quyền”, đặc biệt giữ “nguyên bản” để đảm bảo sản phẩm bán ra đạt chất lượng tốt nhất và an toàn tuyệt đối. Rang xong, nhân cà phê được lựa chọn, phân loại để đóng gói.
Trong quá trình chế biến, Nguyễn Hân Coffee Farm sử dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật thử nếm cà phê được Ủy ban Tiêu chuẩn Kỹ thuật của SCAA đưa ra, bao gồm 10 thuộc tính chất lượng. Sản phẩm cà phê của Nguyễn Hân Coffee Farm cũng đã được công khai minh bạch truy xuất, mã số, mã vạch, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và được bảo hộ độc quyền toàn lãnh thổ.
Thương hiệu Nguyễn Hân Coffee Farm đã dần khẳng định vị thế trên thị trường. Hiện tại, gia đình anh Hân đã xây dựng được một căn nhà khang trang; có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cùng làm nông nghiệp sạch, mô hình cho thu nhập cao hơn, chung tay bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Hân và nông dân xã Ia Lang đang góp phần làm cho vùng đất Đức Cơ, Gia Lai ngày càng xanh tươi, trù phú.