Chính sách hỗ trợ còn chung chungTheo đánh giá chung, khởi nghiệp của DN hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn vốn được cho là vấn đề nan giải nhất. Theo thống kê từ Hiệp hội DN nhỏ và vừa, hơn 80% vốn cho các DN mới khởi nghiệp là tiền tiết kiệm cá nhân hoặc huy động từ bạn bè và gia đình. Khi có được nguồn vốn ban đầu, DN cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như hiểu biết về thủ tục hành chính, thị trường...
Câu chuyện khởi nghiệp của Anh Nguyễn Văn Được (SN 1983) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn thuế Trọng Tín là một điển hình cho sự gian nan khởi nghiệp. Dấn thân vào lĩnh vực “dịch vụ thủ tục về thuế”, một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam, anh Được phải mất 5 năm mới có thể có những thành công bước đầu trong ngành, được Bộ Tài chính biểu dương và tặng bằng khen về tư vấn thuế. Anh Được là chuyên gia thuế trẻ nhất Việt Nam được bầu vào Ban chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, anh Được chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về vốn, công nghệ, kinh nghiệm cũng như những chính sách ưu đãi.
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp. |
Theo anh Được, tư tưởng lấy DN làm trung tâm của Chính phủ rất có ý nghĩa đối với cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay có lẽ vẫn chưa thực sự thiết thực để giúp các bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp. Các chính sách khởi nghiệp mà DN mong đợi đó là: Tăng khả năng tiếp cận vốn và công nghệ, sự bảo hộ về pháp lý…
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc khởi nghiệp của DN trên địa bàn tỉnh vẫn dựa vào sự tự lực của DN chứ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp chưa thật sự tạo động lực để thu hút cho DN. “Hiện tỉnh Tuyên Quang có ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp cho một số ngành nghề kinh doanh trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Ví dụ hỗ trợ DN thành lập trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng từ 10 ha cây trồng cam hỗ trợ vay vốn tối đa 300 triệu đồng, nuôi lợn 1 hộ tối thiểu từ 1.000 con lợn được hỗ trợ chi phí đầu tư chuồng trại... Tuy nhiên, những hỗ trợ này chỉ chiếm phần chi phí đầu tư rất nhỏ chứ không phải là động lực chính để giúp DN tăng trưởng được”, ông Thập cho biết.
Bà Đỗ Thị Tú Anh, Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, khảo sát cho thấy, các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp còn thiếu tính đồng bộ và hệ thống. Một số chính sách còn thiếu quy định cụ thể áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); mang nặng tính khuyến khích và chung chung như: hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công...
Hoạt động trợ giúp đối với các DNNVV đến nay vẫn chưa phát huy được tác dụng, còn chồng chéo và phân tán, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Tỷ lệ DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thấp, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV kém hiệu quả, khó khăn trong tiếp cận đất đai… Cùng với đó, quy mô của DN đến nay vẫn còn rất nhỏ; cơ cấu ngành, lĩnh vực hoạt động của khu vực chưa hợp lý; trình độ công nghệ thấp, chưa tận dụng và tranh thủ được công nghệ của các DN đầu tư nước ngoài cũng như sự hỗ trợ của DN lớn...
Xây dựng cơ chế pháp lý đặc biệt cho khởi nghiệpTheo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay các DN Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Vì thế, để phục hồi và phát triển DN, cải cách thể chế, cải cách hành chính cần đóng vai trò dẫn đường. Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu tăng gấp đôi số DN hiện có ở VN trong 4 -5 năm, hướng tới mục tiêu chúng ta có 1 triệu DN năm 2020. Cùng đó, Chính phủ cũng đưa ra một loạt chính sách, biện pháp để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng DN.
“Cần có môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Một môi trường kinh doanh kiên quyết đoạn tuyệt với cơ chế xin cho để các DN không phải bằng quan hệ để có lợi thế trong kinh doanh. Để DN tập trung vào đưa ra nỗ lực đổi mới và sáng tạo. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong những lĩnh vực tiềm năng như công nghệ thông tin hay du lịch, nông nghiệp...”, ông Lộc cho biết.
Còn bà Đỗ Thị Tú Anh cho rằng, Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích thanh niên khởi nghiệp sáng tạo với những ưu đãi cụ thể về thuế, truyền thông, đào tạo, ứng dụng sở hữu trí tuệ, về vốn hỗ trợ ươm mầm... bao gồm chính sách thường xuyên và ưu đãi trong những năm đầu. Xây dựng cơ chế pháp lý đặc biệt cho khởi nghiệp sáng tạo, thừa nhận chính thức hoạt động đầu tư đặc thù bằng các văn bản dưới luật điều chỉnh việc huy động vốn cộng đồng và quỹ đầu tư mạo hiểm. Có cơ chế riêng, hướng dẫn, hỗ trợ và ưu đãi về bảo hộ, đăng ký sở hữu trí tuệ và ứng dụng cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo.
“Mỗi cơ quan bộ ngành, tỉnh thành cần thành lập một đơn vị đầu mối chỉ đạo và chịu trách nhiệm xúc tiến khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với đó, xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để tập hợp đầy đủ dữ liệu, nguồn lực từ Hệ Sinh thái Khởi nghiệp, Sáng tạo. Xây dựng cơ chế và phân bổ ngân sách thường xuyên dành riêng để thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...”, bà Tú Anh đề xuất.
Về góc độ DN, anh Nguyễn Văn Được cho biết, nên phát triển mô hình DN đã thành công quay lại đầu tư cố vấn cho những dự án tiêu biểu và hình thành chuỗi liên kết công nghệ, chuỗi liên kết các yếu tố đầu vào cũng như các hoạt động hỗ trợ các yếu tố đầu ra của các DN khởi nghiệp là đầu vào của các DN lớn, DN thành công…