Sen hồng tại Đồng Tháp. Ảnh: baodongthap.vn |
Là một tỉnh thuần nông lại thêm vị trí địa lý không thuận lợi, Đồng Tháp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng địa phương khởi nghiệp, kiến tạo môi trường khởi nghiệp bền vững, những năm qua, tinh thần khởi nghiệp đã phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.
Sau 7 năm hoàn thành chương trình Thạc sĩ hoá học chuyên ngành phát triển bền vững tại một trường Đại học danh tiếng Pháp, chàng trai trẻ Ngô Chí Công, sinh năm 1989 trở về quê hương với hoài bão nâng tầm giá trị cây sen, loài cây đồng nội mang đặc trưng của vùng đất phèn Đồng Tháp Mười.
Nhận ra thực tế, lợi thế của vùng nguyên liệu phục vụ cho định hướng kinh doanh "chưa ai nghĩ tới", năm 2015 Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Khởi Minh Thành Công ra đời chuyên sản xuất, kinh doanh hoa sen sấy khô Ecolotus. Gần đây, để phát triển sản phẩm, công ty còn "biến" những bộ phận tưởng chừng "bỏ đi" của cây như cánh, lá sen trở thành vật liệu cho ngành thời trang và dân dụng như giấy viết, tranh vẽ thư pháp, túi xách, mũ, chén, đĩa dùng một lần…
Theo anh Công, để tồn tại và phát triển trong thị trường đầy tính cạnh tranh như hiện nay, kinh doanh cần mang bản sắc riêng, hơn hết là phát huy "những gì sẵn có" để làm ra những sản phẩm vừa có giá trị kinh tế, vừa đậm đà bản sắc địa phương nhưng cũng đảm bảo nhu cầu của người dùng cần.
Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ của riêng một bộ, ngành mà mở rộng ra nhiều ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội... Đặc biệt, "khởi sự lập nghiệp" không chỉ dừng lại ở các lứa tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết mà tinh thần dám nghĩ, dám làm còn được lan ra ở những cá nhân thuộc thế hệ trung niên.
Đơn cử như bà Nguyễn Thị Bích Vân ở thành phố Cao Lãnh dùng số tiền tích góp gần 800 triệu đồng từ công việc phụ giúp việc nhà để khởi nghiệp với mặt hàng thảo dược bồ công anh, sản xuất trà phục vụ người tiêu dùng từ năm 2016, khi bà 52 tuổi.
Khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng và suôn sẻ. Số 700 cây bồ công anh giống ban đầu mang về Việt Nam trồng hầu như đều chết rũ. Không nản chí, bà Vân đem giống lấy gien nhân phôi bằng tất cả vốn liếng còn lại. Không phụ công người, gần 100 cây giống bồ công anh được trồng thành công ở tỉnh Đồng Nai và nhân rộng tại tỉnh Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp.
Không chỉ dừng lại việc trồng thành công cây bồ công anh, bà Vân đã bắt tay vào chế biến trà và cà phê bồ công anh đưa ra thị trường. Hiện Công ty TNHH Phát triển P&K do bà Vân làm chủ có sản phẩm phân phối độc quyền ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Công ty đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Duy Hiếu - Giám Đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công chỉ khoảng 10%, còn lại 90% là thất bại. Tuy nhiên, thất bại trong khởi nghiệp chỉ là chưa thành công trong ý tưởng chứ không phải "thua" về ý chí.
Sau mỗi lần thất bại, xác suất thành công ở lần khởi nghiệp sau tăng 20% so với lần trước đó. Bên cạnh đó, người khởi nghiệp muốn đi xa thì không thể "lủi thủi" 1 mình mà cần tận dụng nhiều nguồn lực để hợp tác cùng nhau; trong đó cần khai thác nguồn lực để được hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, thị trường...