Đến nay, huyện đã xây được mô hình nhân giống, sản xuất trứng và chăn nuôi vịt bầu Thanh Quân tại các xã vùng cao, qua đó giúp bà con có có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Vịt bầu Thanh Quân có nguồn gốc tại 6 xã Thanh Quân, Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Phong, Thanh Sơn, Thanh Hòa. Đây là giống vịt đặc sản, thân chắc, đầu to, ngực rộng, thịt thơm ngon. Vịt bầu Thanh Quân còn có giá trị kinh tế cao, nếu nuôi được 23 tuần là vịt đẻ trứng, năng suất trứng đạt 145 quả/con giống/năm, năng suất thịt đạt 2,7 kg.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Như Xuân, giống vịt bầu Thanh Quân đang có nguy cơ mất dần nguồn gen do người dân chăn nuôi theo phương thức lạc hậu, tình trạng lai tạp giống vịt bản địa với giống vịt ngoại đã xảy ra. Bên cạnh đó, các hộ chỉ nuôi vịt chưa gắn với sản xuất hàng hóa, chưa tìm được đầu ra, chưa xây dựng thương hiệu, chưa trú trọng an toàn thực phẩm.
Hiện số lượng vịt giống trên địa bàn chỉ còn khoảng 2.000 cá thể; trong đó vịt gốc đang sinh sản còn khoảng 300 con được nuôi tại 200 hộ. Để thực hiện đề án, UBND huyện Như Xuân đã chỉ đạo Trạm khuyến nông phối hợp với các xã để cung cấp con giống, kĩ thuật chăn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ người dân xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất và chăn nuôi vịt bầu Thanh Quân sinh sản tại xã Cát Vân với mức hỗ trợ 50 triệu đồng /500 con vịt sinh sản/mô hình.Năm 2017, đề án đã chọn, nhân giống 2.000 con vịt bầu Thanh Quân để cấp cho các hộ dân và hỗ trợ làm chuồng trại, cải tạo ao. Đến năm 2018, huyện tiếp tục hỗ trợ nhân dân tuyển chọn, nhân giống 6.000 vịt con, hỗ trợ làm chuồng trại, cải tạo ao cho 60 hộ. Hiện mô hình sản xuất và chăn nuôi vịt sinh sản đang được áp dụng vào cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lê Hữu Dũng, thôn Vân Thành, xã Cát Vân cho biết, Năm 2017, anh được UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để thực hiện mô hình nhân giống, chăn nuôi vịt bầu Thanh Quân, sau đó anh Dũng đã xây chuồng, đầu tư 2 máy ấp trứng để phục vụ chăn nuôi. Do mới chăn nuôi chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu tiên anh chăm sóc và phát triển đàn rất khó khăn, có những lúc vịt bị dịch bệnh.
Bằng sự kiên trì, trang trại của anh dần phát triển, mỗi ngày đàn vịt của anh đẻ 200 trứng để ấp thành vịt con nhằm bán giống cho các hộ dân quanh vùng. Hiện trang trại anh đang nuôi hơn 300 con vịt bầu Thanh Quân sinh sản và hàng trăm con vịt bố. Thu nhập bình quân của gia đình anh từ nuôi vịt đạt 100 triệu đồng/năm.
Tại xã Thanh Xuân, Ban quản lý đề án đã cấp vịt giống cho các hộ dân trong xã để thực hiện mô hình chăn nuôi vịt bầu Thanh Quân sinh sản, tới nay những con giống này đang phát triển tốt, đẻ trứng đều mỗi ngày và mang lại nhiều thu nhập cho người dân.
Ông Lò Đình Nhân, thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn ông phải đi làm thuê để kiếm sống. Năm 2017, ông về quê lập nghiệp, mở trang trại nông lâm kết hợp, sau khi nghe tin UBND xã đang thực hiện đề án phát triển giống vịt bầu Thanh Quân, ông đã đăng kí thực hiện và được cấp 100 con vịt giống.
Nhờ chịu khó chăn nuôi, kết hợp trồng cây hái quả và trồng rừng kinh tế, tới nay trang trại của ông ngày càng mở rộng. Hiện gia đình ông đang nuôi hơn 100 con vịt bầu Thanh Quân, trồng 10 ha rừng luồng, câu keo, cây hái quả, thu nhập của gia đình ông vào khoảng 300 triệu đồng/năm.
Ông Trịnh Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết, là xã vùng cao có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, việc khôi phục chăn nuôi vịt bầu Thanh Quân sẽ giúp bà con xóa đói giảm nghèo, hiện xã đang có hơn 15 hộ đang nuôi vịt bầu Thanh Quân. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các thôn, mục tiêu tăng thu nhập bình quân 4 triệu/người/tháng từ chăn nuôi vịt.
Từ nay đến hết năm 2020, huyện Như Xuân phấn đấu nhân giống, phát triển thêm 16.000 vịt con tại các xã vùng cao, đồng thời kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa phê duyệt đề tài khoa học về khôi phục, phát triển giống vịt bầu Thanh Quân, nhằm giúp bà con miền núi có thêm việc làm, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.