Khơi thông nguồn hàng để hạn chế tăng giá

Việc giá hàng hóa tăng theo giá xăng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp (DN) mà còn có thể gây áp lực tới lạm phát. Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với các biện pháp quản lý thị trường để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý thì cần có các biện pháp bình ổn cung cầu, khơi thông nguồn hàng.

Hệ lụy do tăng giá bất hợp lý

Cách đây 10 ngày, giá xăng đã tăng thêm 2.100 đồng/lít khiến thị trường chịu áp lực tăng giá rất lớn. Theo các chuyên gia thị trường, vừa qua giá hàng hóa chỉ tăng rón rén, không ồ ạt như những đợt trước là do thời điểm này, hàng hóa dồi dào, sức mua không mạnh, nếu tăng giá thì mức tiêu thụ sẽ kém. Hơn nữa, giá hàng hóa không tăng nhiều là do đã mới tăng ở thời điểm trước đó. Từ thời điểm 1/3, nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng đã tăng giá từ 5 - 10%. Ngay cả những mặt hàng thiết yếu như gas, sữa cũng đã tăng mạnh trước đó.

Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Mặt khác, hiện nay, nguồn hàng dự trữ trong siêu thị vẫn còn và sau khi tăng giá xăng, thị trường hàng hóa thường biến động có độ trễ. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú dự đoán: “Nhờ có nguồn hàng dự trữ nên các siêu thị hiện vẫn cố giữ được mặt bằng giá. Tuy nhiên, hiện nay, một số siêu thị đã nhận được đề nghị tăng giá từ nhiều nhà cung cấp nên có thể mặt bằng giá mới sẽ hình thành từ cuối tháng 3 này”.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, với những đề nghị tăng giá hợp lý thì vẫn phải chấp nhận vì hiện nay, các DN cũng phải đối mặt với khó khăn do chi phí đầu vào của sản xuất như: lãi suất, giá nguyên liệu cao... Từ đầu năm tới nay, số DN phá sản tăng nhanh đã cho thấy phần nào thực tế khó khăn của các DN. Tuy nhiên, ông Phú lo ngại nhất là việc kiểm soát tăng giá bất hợp lý vì “giá xăng tăng 10% nhưng không phải vì thế giá cước taxi cũng đòi tăng 10% vì giá xăng chỉ chiếm 60% chi phí vận tải. Giá gas sau khi tăng giá tới hơn 100.000 đồng/bình kể từ đầu năm đã có 2 lần giảm nhưng mức giảm rất khiêm tốn”.

Ông Phú còn lo ngại hiện tượng người tiêu dùng bị hệ lụy bởi khi giá hàng hóa tăng cao, sức mua thấp thì lại kéo theo tình trạng gian lận thương mại như: Hàng hóa không đảm bảo chất lượng và số lượng. “Giá bán không tăng nhưng mớ rau lại nhỏ đi, bát phở cũng vơi đi, suất cơm bình dân teo lại... thì cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người tiêu dùng”, ông Phú nhìn nhận.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc tăng giá bất hợp lý không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có thể tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. “Chính phủ đặt ra mục tiêu lạm phát năm 2012 là dưới một con số, tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm con số này đã là 2,36%, như vậy, áp lực 10 tháng còn lại không vượt quá ngưỡng tăng CPI 6,64% là rất lớn", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo.

Khơi thông nguồn hàng

Thực tế hiện nay, sau mỗi lần tăng giá xăng dầu, các cơ quan quản lý nhà nước đều tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những biện pháp mang tính chất hành chính không giải quyết được cơ bản tình trạng tăng giá hàng hóa.

Việc kiểm soát giá cả không đơn giản vì thị trường có tới hàng nghìn mặt hàng nhưng Nhà nước chỉ quản lý giá có 18 mặt hàng thiết yếu. Hơn nữa, thị phần hàng hóa phân phối qua các siêu thị, hệ thống phân phối lớn hoặc qua chương trình bình ổn giá còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong khi phần lớn lượng hàng hóa lưu thông phân phối ở thị trường tự do nên việc kiểm soát giá cả càng khó khăn hơn.

Chính vì vậy, việc thực hiện các chương trình bình ổn giá phải song song với khơi thông nguồn hàng để giảm áp lực tăng giá. Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn giá sẽ tiếp tục được triển khai đối với chín nhóm hàng bình ổn giá gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản. Giá hàng bình ổn sẽ thấp hơn thị trường ít nhất từ 5 - 10% . Tuy nhiên, số lượng hàng hoá tham gia bình ổn cũng tăng khoảng 10 - 20% so với năm ngoái, nhưng vào các tháng trong năm sẽ chỉ chiếm bình quân khoảng 25 - 30% nhu cầu thị trường.

Sở Công Thương Hà Nội cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại, nhất là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố, khai thác tốt nguồn hàng, dự trữ đủ số lượng hàng hóa để phục vụ nhu cầu thị trường. Nhưng tỷ trọng lượng hàng bình ổn của Hà Nội so với nhu cầu tiêu dùng còn thấp hơn. Như vậy, phần còn lại của thị trường sẽ vẫn phụ thuộc ở thị trường tự do vốn rất dễ biến động về giá cả mỗi khi giá xăng dầu tăng.

Dẫn chứng từ thực tế là “một cân cá ở các địa phương giá chỉ 15.000 - 20.000 đồng trong khi lên đến Hà Nội là 50.000 - 60.000 đồng, một cân cà chua ở Thái Bình chỉ 3.000 đồng nhưng lên Hà Nội là 15.000 đồng”, ông Vũ Vinh Phú đề xuất để hạn chế tăng giá phải có những nỗ lực khơi thông nguồn hàng. Hiện nay, khi giá cả hàng hóa và lạm phát tăng cao, chi tiêu của người dân sẽ tập trung nhiều hơn cho nhóm hàng hóa thiết yếu.
 
Theo đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phải có giải pháp điều hòa cung - cầu để đảm bảo ổn định nguồn cung và giá cả các loại hàng hóa thiết yếu, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Hiện nay, do ảnh hưởng bởi thông tin có chất tạo nạc, thịt lợn đang giảm giá nhưng theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nếu người nông dân giảm chăn nuôi do giá lợn giảm thì trong thời gian tới, giá thịt lợn lại có khả năng tăng mạnh. Hiện nay, hàng hóa thường tăng mạnh ở khâu phân phối nên về lâu dài, Bộ Công Thương cần tập trung củng cố xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm… để làm nòng cốt ổn định thị trường.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN