Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thùy Dương/TTXVN |
Kể từ hôm nay, Nghị định 04/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tăng cường quản lý nợ công, khắc phục một số tồn tại trong công tác cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ trong giai đoạn trước. Đồng thời, kiện toàn cơ sở pháp lý, đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, cũng như tăng cường công cụ giám sát, quản lý rủi ro trong bảo lãnh Chính phủ, đưa công tác quản lý bảo lãnh Chính phủ tiến dần hơn tới các thông lệ quốc tế.
So với văn bản cũ, Nghị định 04/2017/NĐ-CP đã có những điều chỉnh về mức bảo lãnh Chính phủ; cách xác định phí bảo lãnh; đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh; quy trình và thủ tục thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ, cũng như bổ sung các quy định liên quan đến việc quản lý vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, tài sản thế chấp và quản lý rủi ro.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định mới, mức bảo lãnh Chính phủ đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống mức không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án. Đồng thời, tối đa 70% đối với các dự án cấp bách được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; tối đa 60% đối với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và tối đa 50% đối với các dự án khác.
Nghị định 04/2017/NĐ-CP cũng quy định rõ giá trị tài sản thế chấp phải đạt mức tối thiểu 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; mức phí bảo lãnh cũng được điều chỉnh tăng từ mức tối thiểu 1,5%/năm lên 2%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh. Ngoài ra, hệ số năng lực tài chính của doanh nghiệp cũng được xem là yếu tố tính phí bảo lãnh, theo quy định hiện hành.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Thùy Dương/TTXVN |
Thực hiện chủ trương của Chính phủ là "kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, tiến tới thu hẹp để tập trung hỗ trợ của Chính phủ cho các dự án, chương trình trọng điểm và chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại", Nghị định 04/2017/NĐ-CP đã quy định nhiều điều kiện chặt chẽ và ngặt nghèo hơn về việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Lý giải điều này với báo chí, ông Hoàng Hải cho rằng, trước kia, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã là nước phát triển trung bình, điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay phát triển như ODA hay IDA ngày càng khó khăn và hạn chế, nên quan điểm tiếp cận nợ công cũng cần phải thay đổi. Các doanh nghiệp cần phải tự đối mặt với những khó khăn tài chính của mình, thay vì mong dựa vào Nhà nước.
Quyết định này cũng nhằm giảm tỷ trọng nợ của bảo lãnh Chính phủ trong nợ công, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn khác từ ngân hàng, các định chế tài chính nước ngoài thay vì bảo lãnh Chính phủ. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là những doanh nghiệp đang có nhiều nỗ lực tiếp cận các ngân hàng nước ngoài để vay vốn.
"Điểm mới của Nghị định 04/2017/NĐ-CP là quy định trách nhiệm liên quan của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thẩm định, xét duyệt chương trình, dự án mà Bộ Tài chính tham gia cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan quản lý ngành... sẽ đều phải gắn trách nhiệm giải trình cùng với Bộ Tài chính trong việc cấp bảo lãnh Chính phủ đối với những trường hợp, tình huống phát sinh rủi ro", ông Hải cho biết thêm.