Yếu tố tác động gây ảnh hưởng
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu ANBOUND, số liệu mới một lần nữa khẳng định tính dai dẳng của lạm phát ở Mỹ, điều này chắc chắn sẽ củng cố hơn nữa thái độ thận trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc cắt giảm lãi suất.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, đồng đô la Mỹ trên thế giới vẫn tiếp tục tăng giá và duy trì ở mức cao khi thị trường kỳ vọng Fed trì hoãn hạ lãi suất điều hành, điều này làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu cũng gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Không những thế, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn ở Biển Đỏ ngày càng leo thang, điều này có thể tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng một cách nặng nề, làm gia tăng chi phí vận tải, gây rủi ro về an ninh lương thực, an ninh năng lượng; đồng thời, gây sức ép lên giá dầu thô và các nguyên vật liệu đầu vào chính cho sản xuất.
Hiện, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới đang ở mức cao. Do là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Theo ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Trung Quy, là doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu bằng tiền USD và xuất cũng bằng USD nhưng chênh lệch mua - bán đồng USD cũng khiến doanh nghiệp mất một khoản. Mức này dù thấp hơn các đơn vị chỉ chuyên nhập khẩu nhưng cũng ảnh hưởng khi doanh nghiệp kinh doanh đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Giá USD tăng không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp da giày cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều doanh nghiệp da giày cho rằng, tỷ giá tăng, chi phí nhập khẩu nguyên liệu sẽ bị đội lên đáng kể.
Ở trong nước, Vụ Thống kê giá cũng chỉ ra, một số yếu tố cũng có khả năng tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới, cụ thể nhu cầu nhập khẩu gạo của các quốc gia dự báo sẽ tiếp tục tăng cao như: Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, UAE... điều này giúp cho xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục được thuận lợi với giá xuất khẩu tăng cao nhưng đồng thời cũng sẽ kéo giá gạo trong nước tăng lên.
Áp lực lạm phát còn đến từ giá năng lượng; trong đó, điện là mặt hàng rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động khá lớn tới lạm phát, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm. Trong năm 2024, EVN có thể sẽ tiếp tục các đợt tăng giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các chi phí đầu vào của giá điện.
Hiện, xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo biến động của giá thế giới. Các chuyên gia quốc tế dự báo từ nay đến cuối năm giá xăng dầu sẽ tiếp tục xu hướng tăng kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng lên, tạo áp lực lên lạm phát.
Ngoài ra, nếu điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục sẽ tác động làm tăng CPI.
“Cải cách tiền lương của khu vực nhà nước và tăng lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp dư kiến được thực hiện từ 1/7/2024 có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên”, bà Thu Oanh cho hay.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công một mặt giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng mặt khác có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.
Tập trung kiểm soát mục tiêu
Trên cơ sở thực tiễn thị trường trong nước quý I vừa qua, Tổng cục Thống kê xây dựng 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024. Các kịch bản lạm phát được xây dựng thông qua dự báo biến động giá của các nhóm hàng hóa và dịch vụ ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… Ba kịch bản lạm phát tương ứng với CPI bình quân năm nay lần lượt là 3,8%; 4,2% và 4,5%.
Nhưng thực tế cho thấy, dù ở kịch bản nào thì công tác điều hành, với những giải pháp phù hợp, kịp thời vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc kiểm soát lạm phát, kìm giữ đà tăng giá cả thị trường. Theo đó, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, phù hợp, giữ ổn định vĩ mô.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chủ trì, chỉ đạo các bộ, ban, ngành xây dựng và báo cáo các phương án tăng giá các mặt hàng thiết yếu (điện, xăng, dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục...) với mức độ tăng và thời điểm cụ thể để xem xét quyết định về mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý; đồng thời, sớm có phương án, lộ trình điều chỉnh giá đầy đủ, đồng bộ, thống nhất giữa các mặt hàng để tránh bị động.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá cả trong nước; bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Làm tốt công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, giải pháp cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá; đồng thời, có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý.
Ngoài ra, tăng cường thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần theo sát tình hình, sẵn sàng vận dụng, phát huy tác dụng tích cực của một số yếu tố có thể kiềm chế lạm phát, bao gồm: sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm-nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu dùng của người dân; lạm phát toàn cầu có xu hướng “hạ nhiệt”… trong khi Chính phủ thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát nói chung.
"Với các yếu tố kiềm chế lạm phát, kinh nghiệm của Chính phủ trong điều hành cùng với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4-4,5% đã được Quốc hội thông qua là có tính khả thi", chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhận định.