Trước mắt, tỉnh siết chặt quản lý nuôi chim yến, nghiêm cấm xây dựng mới nhà nuôi yến ở một số địa điểm trọng yếu, nhất là các khu vực như: điểm chợ, khu hành chính, dân cư, đô thị, du lịch, cửa khẩu, trung tâm thị trấn các huyện. Các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà nuôi chim yến phải có giấy phép theo quy định, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tỉnh nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hoạt động tác động xấu, gây tổn hại đến đàn chim yến tự nhiên; cấm sử dụng công sở, cơ sở y tế, trường học và không được cơi nới, mở rộng, nâng tầng nhà ở để nuôi chim yến, khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng.
Tỉnh cũng có quy định về phát âm thanh dẫn dụ, phát sóng siêu âm, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh; quy định về khai thác, sơ chế tổ yến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tổ yến; lấy mẫu kiểm tra mầm bệnh định kỳ hoặc đột xuất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình nuôi yến.
Nghề nuôi chim yến đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Nếu dẫn dụ, gây nuôi thành công thì 100 m2 sàn nuôi, mỗi tháng có thể thu về 1 - 2 kg tổ yến. Hiện một số nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến yến sào trên địa bàn tỉnh, vừa giải quyết đầu ra tiêu thụ sản phẩm tổ yến cho người nuôi và tỉnh có thêm mặt hàng chủ lực tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu, vừa giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, sản lượng yến sào thu hoạch của tỉnh này đạt hơn 3,1 tấn của 2.117 nhà nuôi tập trung ở 2 thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương.
Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến ở Kiên Giang phát triển tự phát, nên bất cập về vệ sinh môi trường, an toàn sinh học, tiếng ồn, dịch bệnh… ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe người dân. Nhiều hộ dân tận dụng không gian nhà ở, cơi nới, mở rộng hoặc xây thêm tầng để dẫn dụ, gây nuôi chim yến.