Kiến nghị đồng bộ hóa quy định chống dịch, ‘ngóng’ gói hỗ trợ phục hồi 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 8/11, đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cho biết: Nhiều doanh nghiệp kiến nghị chính quyền các tỉnh, thành phố cần đồng bộ hóa các quy định phòng chống dịch và triển khai hoạt động hiệu quả trong bối cảnh mới.

Chú thích ảnh
 Phục hồi sản xuất trở lại sau dịch COVID-19 thế nào luôn là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp, đặc biệt với khối dệt may, da giày khi hoạt động sản xuất phụ thuộc vào hàng trăm nghìn lao động. Ảnh: TTXVN.

Không thể tiếp tục tình trạng ‘trên bảo dưới chưa nghe’

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp sản xuất chế biến ngành Gỗ đã bắt đầu hoạt động, sản xuất trở lại. Hiện, có khoảng 70 - 75% lao động của doanh nghiệp ngành Gỗ đã đi làm trở lại, công suất của các doanh nghiệp cũng đạt tới 70 - 80% so với trước dịch. Các chỉ số xuất khẩu cũng đã tăng dần từ đầu tháng 10/2021.

“Những chỉ số đó cho thấy, dù ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch, nhưng rất mừng là ngành Gỗ đã hồi phục nhanh chóng. Mục tiêu 14,5 tỷ USD xuất khẩu Chính phủ giao cho ngành Gỗ vẫn có thể đạt được. Tuy nhiên, để ngành Gỗ hồi phục như trước đại dịch thì còn nhiều việc cần phải làm. Công nhân ở các khu công nghiệp được tiêm vaccine nhưng công nhân ở các tỉnh lên thì tỷ lệ được tiêm rất thấp nên khả năng nhiễm bệnh cao”, ông Đỗ Xuân Lập cho biết. 

Các doanh nghiệp ngành Gỗ kiến nghị: Căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP, cần có sự thống nhất cơ bản giữa Trung ương và địa phương, để các doanh nghiệp vừa có thể lo chống dịch, vừa chủ động tổ chức sản xuất.

Mặc dù ngành Dệt may đang phải chạy đua mùa thời trang cuối năm, nhưng bà Ninh Thị Ty, Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ về một nhà máy may có 4 F0 mắc COVID-19, nhưng phải đóng cửa 3 tuần. “Kiến nghị các cơ quan chức năng sớm triển khai các hình thức chống dịch COVID-19 cho doanh nghiệp. Đơn cử, chỉ đóng cửa nhà máy 1 tuần, sau đó xét nghiệm để cho đi làm lại một phần theo hình thức 3 tại chỗ và tiếp tục cho hoạt động trở lại 2 tuần sau đó, nếu việc xét nghiệm đạt điều kiện”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Theo ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Chính phủ kêu gọi và trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các chuyến bay quốc tế chưa được khôi phục; nhà đầu tư, chuyên gia, khách du lịch hay thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể nhập cảnh Việt Nam, trừ khi có suất bay và thị thực dạng “giải cứu”. Ông Phùng Anh Tuấn đặt câu hỏi: Chính sách khôi phục nền kinh tế sẽ ra sao, khi hàng hóa và con người  chưa thể lưu thông liên tỉnh hiệu quả? Lãnh đạo các địa phương kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng nhà đầu tư đến tỉnh lại bị kiểm soát, cách ly kiểu cát cứ?...

“Nếu muốn thu hút FDI, Việt Nam phải mở cửa chính sách một cách nhịp nhàng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, không thể tiếp tục tình trạng ‘trên bảo dưới chưa nghe’ hay chỉ nghe nửa vời, lấy lý do ‘đặc thù’ và chống dịch tại địa phương mình. Cần phải có một ‘lực lượng đặc nhiệm’ của Bộ Tư Pháp và Ban chỉ đạo Quốc gia chuyên rà soát và đồng bộ chính sách; loại bỏ những 'rào cản', quy định trái với Nghị quyết 128”, đại diện VAFI nhấn mạnh.

Doanh nghiệp mong hỗ trợ khẩn 

Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết: Mặc dù các doanh nghiệp lĩnh vực này không gặp vấn đề nhiều về biến động lao động nhưng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp kém xa so với trước. Với chi phí chống dịch khá cao, doanh nghiệp trong Hiệp hội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiệp hội kiến nghị: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để duy trì dòng tiền. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ hiện có của Chính phủ như hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp, phải thuận lợi và được tiến hành nhanh chóng. 

“Với chính sách này, tổng số tiền hỗ trợ mà người lao động ở Công ty Delta của chúng tôi có thể nhận được hàng tỷ đồng, nhưng đến nay, Delta vẫn chưa nhận được. Chính sách có rồi, nhưng thực hiện cần phải kịp thời", Giám đốc Công ty Quốc tế Delta chia sẻ.

Đồng quan điểm, đại diện Viforest cho rằng: Doanh nghiệp rất cần tiếp sức, nên các chính sách hỗ trợ càng triển khai sớm càng tốt như: Hạ lãi suất, giãn nợ… Trong khi, các gói lớn cần phải có thời gian để tính toán và độ trễ chính sách, các chính sách về ngân hàng phải làm ngay. “Doanh nghiệp không được tạo điều kiện lưu thông, dòng tiền, khiến mọi hoạt động sản xuất đều phải dừng lại. Các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch và dịch vụ liên quan đến yếu tố nước ngoài mong muốn Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện chính sách hộ chiếu vaccine. Doanh nghiệp không còn thời gian để chờ đợi sau thời gian dịch bệnh kéo dài”, ông Chương Nguyễn, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh trăn trở.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng: Vẫn còn 4 khó khăn lớn doanh nghiệp đang phải đối mặt là: Thiếu lực lượng lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp; mô hình sản xuất khác nhau ở nhiều địa phương; giá nguyên vật liệu đầu vào cao và khó khăn dòng tiền.

Để giải quyết các khó khăn trên, các doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ nhanh, quyết liệt hơn, quy mô lớn hơn, để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển sản xuất thuận lợi. “Toàn bộ gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ từ đầu năm 2020 đến hết tháng 9/2021 xoay quanh mức 4% GDP, vì vậy thời gian tới cần thêm gói hỗ trợ từ 1% - 2% GDP, tức là từ 80.000 - 160.000 tỷ đồng, tùy thuộc vào năng lực ngân sách của Chính phủ. Nếu có gói hỗ trợ tài khóa như vậy, tất cả các chỉ tiêu về lạm phát, ngân sách Nhà nước, nợ công… vẫn trong ngưỡng an toàn. Thậm chí, đây là thời điểm phải chấp nhận dư nợ công, thâm hụt ngân sách tăng lên để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần phục hồi kinh tế nhanh hơn”, TS Cấn Văn Lực đề xuất. 

Chú thích ảnh
Minh Phương/Báo Tin tức
Hà Nội: Sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhanh nhất
Hà Nội: Sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhanh nhất

“Các doanh nghiệp phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, vượt khó để chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định”, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đưa ra yêu cầu với các doanh nghiệp tại “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19”, diễn ra sáng 6/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN