Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới. Theo UBND thành phố, nếu tình trạng nông dân các tỉnh đã tổ chức trồng trọt, thậm chí gần thu hoạch sản phẩm phải bỏ giữa chừng vì nhận thấy không thể tiêu thụ sản phẩm được như thời gian qua sẽ dẫn tới mùa vụ chậm trễ, ảnh hưởng cả chất lượng và sản lượng sản xuất nông nghiệp, nguyên liệu cho ngành sản xuất lương thực, thực phẩm về sau.
Trong khi đó, hiện nay vẫn còn tình trạng chưa thống nhất phương thức kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các chốt kiểm soát giữa các tỉnh, thành dẫn tới việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh nhu yếu phẩm chưa kịp thời, chưa được giải quyết triệt để khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. UBND Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1015/TTg-CN về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân cùng dịch COVID-19. Các tỉnh, thành chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại nhà máy, tại kho, không kiểm tra trên đường.
Đồng thời, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Y tế xây dựng luồng tuyến ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông ở các chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa phương, tránh ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm.
Đối với việc xử lý tình huống thiếu hụt các nguyên, phụ liệu sản xuất, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải pháp xử lý tạm thời trong thời gian ngắn để cho phép doanh nghiệp có thể thay đổi nguyên liệu, tỷ lệ nguyên liệu nhưng chất lượng không thay đổi và được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất.
Cùng với đó, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và các doanh nghiệp sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh về miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn, đẩy nhanh quá trình giải ngân cũng như điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên 85%, qua đó giảm áp lực cho doanh nghiệp phải tìm thêm tài sản thế chấp.
Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến”, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn thống nhất chung về tiêu chí chủ yếu bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong tất cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí như giá điện sản xuất, miễn giá điện sinh hoạt của công nhân trong các khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vaccine.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý 1/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022 đối với các gói hỗ trợ, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng. Riêng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 như du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải… cần nâng mức giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 50% thay vì chỉ 30% như hiện nay. Về phía doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể điều chỉnh điều kiện về tổng doanh thu năm 2021 để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng kiến nghị hệ thống ngân hàng có chính sách ưu đãi, tăng mức hỗ trợ về vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp thực hiện phòng dịch "3 tại chỗ", giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do dịch COVID-19 với mức giảm 30% trong năm 2021, riêng với ngành du lịch dịch vụ giảm 50%. Mặt khác, các bộ ngành, cơ quan chức năng có thể chấp thuận dịch COVID-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng để doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh, cho phép doanh nghiệp được khấu trừ chi phí phòng chống dịch để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, đã đến lúc cần phân loại 3 nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp bao gồm nhóm doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, nhóm doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động và nhóm doanh nghiệp còn đang hoạt động. Hiện các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức phương thức sản xuất theo mô hình sản xuất "3 tại chỗ" nhưng không thể kéo dài do không đủ cơ sở vật chất để đảm bảo tốt điều kiện an toàn dịch, trong khi tâm lý người lao động bất an sau thời gian dài tập trung, không được gặp gia đình, đặc biệt với lao động nữ.
Thêm nữa, việc tăng dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như dự trữ trong nước là rất cần thiết, nhất là ngành lương thực, thực phẩm. Thời điểm này, khả năng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu phải dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi đó doanh nghiệp không được nhập nguyên liệu và phải ngừng sản xuất, dẫn tới hàng hóa tiêu dùng lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu.