Điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn là bằng cách nào, mà số cổ phần Nhà nước tại một trong những cảng biển quan trọng, có tầm chiến lược cả về kinh tế và an ninh quốc phòng lại có thể nhanh chóng được "bán" như vậy?
Ngay lập tức các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ vấn đề. Ngày 17/9, Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký ban hành Kết luận thanh tra số 1566/KL-TTCP về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Theo đó việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty hàng hải Việt nam giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2013 (đã được Bộ Chính trị thông qua); Việc Bộ Giao thông Vận tải cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp là trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật, do đó 75,01% cổ phần đã được chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước...
Liên quan tới việc thực hiện kết luận thanh tra nói trên, sáng 18/9, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết bộ đã nắm được nội dung kết luận và sẽ sớm tổ chức họp để triển khai kết luận này.
Nhìn lại hành trình "con voi chui qua lỗ kim" mặc dù việc thoái vốn phải thực hiện theo đúng trình tự pháp luật, nhưng cuối cùng sai phạm vẫn xảy ra. Cụ thể: Theo Quyết định số 276/QĐ-TTG ngày 04/02/2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, giai đoạn 2012-2015 thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp cảng biển, Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ tại 9 doanh nghiệp; trong đó có Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.
Tuy nhiên sau đó, ngày 4/4/2013, UBND tỉnh Bình Định có văn bản số 1115/UBND-KTN đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho chủ trương cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần của doanh nghiệp. Trên cơ sở đề nghị này, sau đó, Bộ Giao Thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ cũng lần lượt có các văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép việc thực hiện cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn với tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ là 49%...
Các văn bản liên quan đến việc trình đề nghị thay đổi tỷ lệ Nhà nước nắm giữ cổ phần nói trên đều diễn ra chóng vánh từ tháng 4 đến tháng 7/2013.
Như Thông tấn xã Việt Nam đã đưa trong loạt bài (Kiến nghị thu hồi Cảng Quy Nhơn phát ngày 14/9/2018), quá trình chỉ đạo và bán hết 49% vốn điều lệ sau đó cũng được diễn ra cấp tốc.
Điều đáng lưu ý, mặc dù lý do mà UBND tỉnh Bỉnh Định, Bộ Giao Vận tải đưa ra là để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp mở rộng Cảng vì điều kiện hiện tại khó huy động vốn…, song trên thực tế, ngày 2/6/2014 Vinalines có văn bản số 1847/HHVN-TC&QLVG báo cáo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định rõ vai trò của Cảng Quy Nhơn, đồng thời nêu rõ: Kinh doanh của Cảng Quy Nhơn hiện tại hiệu quả, kế hoạch kinh doanh trong 5 năm tiếp theo được đánh giá là khả quan với tỉ lệ cổ tức đạt 16%.
Vinalines cũng khẳng định trong dài hạn, Vinalines sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu 49% so với việc thoái toàn bộ vốn. Từ đó, Vinalines cũng đề nghị Bộ xem xét, trình Chính phủ cho phép duy trì tỷ lệ sở hữu là 49% vốn điều lệ.
Mặc dù vậy, nhưng sau đó Bộ Giao Thông Vận tải vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị được bán hết phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn. Kết quả, “hành trình” của các bước tiếp theo đã khiến việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn đã không như mục đích ban đầu. Chỉ riêng ở khâu thực hiện chủ trương cổ phần và chủ trương bán hết vốn Nhà nước đã bộc lộ những bất cập và sai phạm.
Quá trình thanh tra cho thấy, việc UBND tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông Vận tải có các văn bản cùng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ là không đúng với tỷ lệ do Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ trong Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTG ngày 04/2/2013; Ngoài ra UBND tỉnh Bình Định tham gia đề xuất cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng quản lý của mình là thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ; sau đó, lại tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết tỷ lệ vốn điều lệ này tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; không đúng với Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước; trong đó Nhà nước nắm giữ từ 75% vốn điều lệ trở lên tại các cảng biển tổng hợp quốc gia.
Hơn nữa, trong quá trình thực hiện, những ý kiến mà Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra cần phải được làm rõ, nhưng đã không được Bộ Giao thông Vận tải xem xét, đánh giá, thể hiện chính kiến với một số nội dung quan trọng liên quan tới chiến lược quy hoạch Cảng, lợi ích lâu dài của việc nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ, an ninh quốc phòng… Quá trình thanh tra cũng làm rõ trách nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong quá trình tham mưu.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, chỉ đạo viêc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước; thực hiện các biện pháp đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn theo đúng Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo an ninh- quốc phòng, lợi ích nhà nước và nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về những bất cập, sai phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, đặc biệt là khâu thẩm định giá, lựa chọn nhà đầu tư… Cũng như giải pháp để khắc phục sai phạm nói trên.