Ngày 8/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để nghe báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đến những bức xúc của địa phương và những vấn đề tiếp tục đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị đối với Trung ương.
Theo đó, khi các nhà máy ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đi vào hoạt động thì tổng lượng tro xỉ phát sinh khoảng 3.800.000 tấn/năm với tổng diện tích bãi xỉ khoảng 156 ha. Hiện nay, lượng tro xỉ phát sinh từ quá trình hoạt động của các Nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân rất lớn, lượng tro xỉ phát sinh chủ yếu được chôn lấp tại bãi thải xỉ, chưa được sử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền... nên áp lực quá tải bãi xỉ là vấn đề rất bức xúc.
UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan nhưng đến nay chưa được giải quyết một số vấn đề như: Chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san nền và đường giao thông chưa được ban hành; việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy việc tái chế, xử lý chất thải (trong đó có tro, xỉ, thạch cao) hiện chưa xong…
Về vấn đề quy hoạch khai thác titan, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phối hợp với tỉnh Bình Thuận thống nhất tọa độ, diện tích các khu vực dự trữ khoáng sản titan có thời hạn và các khu vực dự trữ khoáng sản titan lâu dài để tỉnh cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở thực hiện giao, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành có liên quan; nghiêm cấm việc lợi dụng thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội trên khu vực dự trữ khoáng sản titan để khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức. Đối với khu vực dự trữ khoáng sản titan có thời hạn, đề nghị thời gian dự trữ là 50 năm.
Liên quan đến Cảng hàng không Phan Thiết, tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Cảng hàng không Phan Thiết quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 26/6/2018, đến nay UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong công tác điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đã hoàn thành toàn bộ diện tích cảng hàng không 543 ha; đã bàn giao 397,4 ha đất quốc phòng (khu quân sự và khu dùng chung) cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức quản lý theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và bàn giao 145,6 ha khu hàng không dân dụng cho Nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Rạng Đông).
UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng xem xét tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư để sớm triển khai dự án theo đúng quy định.