Kiến nghị xử lý sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng một số dự án BT, BOT tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 11/9, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận thanh tra 2242/TB-TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều sai phạm trong quản lý đầu tư theo hình thức BT, BOT

Qua thanh tra việc triển khai thực hiện một số dự án BT, BOT (dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ; Dự án cải tạo, nâng cấp QL 1A, đoạn An Sương - An Lạc; Dự án Xa lộ Hà Nội; Dự án cầu Bình Triệu II; Dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu), Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những ưu, khuyết điểm, hiệu quả đầu tư của dự án; những sơ hở, bất cập, hạn chế, từ đó kiến nghị bổ sung, điều chỉnh nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản theo hình thức BT, BOT.

Cầu Phú Mỹ bắc từ Quận 7 sang Quận 2. Ảnh: Kim Phương/TTXVN

Cụ thể, về xây dựng và công bố danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã không thực hiện xây dựng danh mục dự án, không thực hiện công bố hoặc công bố chậm danh mục dự án (riêng dự án xây dựng cầu Phú Mỹ không kiến nghị đưa vào danh mục công bố dự án).

Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định (dự án xây dựng cầu Phú Mỹ thực hiện theo hình thức đấu thầu; Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A, đoạn An Sương - An Lạc và Dự án Xây dựng đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu có ý kiến của Thủ tướng) không đúng quy định pháp luật về chỉ định nhà đầu tư…

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm của những vi phạm, khuyết điểm trên thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp là Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chuyên môn liên quan của thành phố.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án khả thi cũng bị chỉ rõ nhiều vấn đề. Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lập dự án khả thi hoặc chỉ đạo nhà đầu tư lập dự án đầu tư, tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án khả thi, triển khai thực hiện hoặc để các đơn vị thực hiện chưa đầy đủ, chậm trễ, sai quy định.

Cụ thể: Không lập hồ sơ và báo cáo thẩm định dự án điều chỉnh (dự án cầu Phú Mỹ); chậm lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án (Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ); để nhà đầu tư phê duyệt dự án vượt thẩm quyền (dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội); phê duyệt chưa đảm bảo đầy đủ, thiếu chính xác, tăng sai tổng mức đầu tư (dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc, Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, Dự án đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu).

Thanh tra Chính phủ kết luận: "Trách nhiệm trong thẩm định và phê duyệt dự án thuộc về UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp là Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan. Riêng với thẩm định và phê duyệt dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc giai đoạn 2000-2010 thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải".

Ngoài ra, cơ quan Thanh tra cũng xác định trách nhiệm của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chuyên môn trong vi phạm ở các dự án nêu trên như: Đàm phán và ký kết hợp đồng không chính xác với nhà đầu tư (dẫn tới thời gian khai khác thu phí hoàn vốn không đúng quy định); chậm tiến độ (giải phóng mặt bằng không đúng tiến độ; năng lực chủ đầu tư yếu); lập hồ sơ quyết toán dự án chậm, sai về chế độ…

Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân vi phạm

Căn cứ kết quả thanh tra, về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét xử lý số tiền sai phạm với tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.

Trong đó, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư của các dự án với giá trị 1.467.627,94 triệu đồng (phê duyệt không đúng thẩm quyền 1.400.000 triệu đồng, phê duyệt tăng sai 67.627,94 triệu đồng). Giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị 90.652,6 triệu đồng; loại khỏi phương án tài chính cầu Bình Triệu II là 49.067,67 triệu đồng. Giảm giá trị quyết toán dự án 497.335,21 triệu đồng.

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bình Dương kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân đã vi phạm quy định pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao.

Về cơ chế, chính sách và chấn chỉnh quản lý, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về tính toán chênh lệch phụ cấp lưu động, các vấn đề về tổng mức đầu tư, phương án tài chính, nghiệm thu thanh toán, kiểm toán, quyết toán dự án để điều chỉnh cho phù hợp quy định của pháp luật; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Xuân Tùng
BOT giao thông - Bài 1: Chủ trương đúng
BOT giao thông - Bài 1: Chủ trương đúng

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế; trong đó, có hạ tầng giao thông là vô cùng cần thiết và là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN