Thưa ông, Chính phủ đề ra mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Vậy ông đánh giá thế nào về “sức khỏe” của các doanh nghiệp hiện nay?
Phải khẳng định rằng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính phủ đặt ra mục tiêu kép và kiên trì thực hiện mục tiêu này nhằm phát triển kinh tế gắn với phòng chống dịch bệnh là đúng. Bởi vì dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, chúng ta không thể biết trước được khi nào dịch chấm dứt. Cho nên các doanh nghiệp luôn phải đặt trong tâm thế sống chung với dịch.
Biến chủng của dịch bệnh COVID-19 muôn hình vạn trạng và có thể xuất hiện những biến chủng mới bất cứ lúc nào, lây lan rất nhanh khó kiểm soát. Cho nên nếu chúng ta không nhất quán quan điểm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì nền kinh tế chúng ta sẽ nguy hiểm.
Dịch COVID-19 không phải là giai đoạn đầu mà nó đã chuyển sang làn sóng thứ 4 rồi, cho nên quan điểm của tôi là ủng hộ và quyết tâm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong hành động ấy đòi hỏi phải linh hoạt, uyển chuyển và mạnh mẽ thì mới có thể thực hiện được.
Về tình hình của các doanh nghiệp hiện nay, chúng ta hiện có 870.000 doanh nghiệp, nhưng có tới 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, trong khi đó chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng đã giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việc thoái vốn ở các doanh nghiệp, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trung bình mỗi tháng có khoảng 11,7 nghìn doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020...
Điều đó cho thấy năng lực và sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu ớt, thu hút FDI giảm, số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm mạnh cho thấy môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cho nên tôi đề nghị tập trung nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn mà còn phải phục hồi để sản xuất kinh doanh. Tập trung rà soát và khắc phục ngay những vướng mắc về thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, giải ngân các gói hỗ trợ, đồng thời quản lý chặt chẽ việc thu, chi ngân sách nhà nước và mua sắm tài sản công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng được Chính phủ triển khai nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?
Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ là việc làm rất nhân văn. Những Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ sau này rất thông thoáng.
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn không tránh khỏi những khó khăn ở chỗ: Nó chỉ thoáng hơn so với trước, nhưng vẫn có những điều kiện ràng buộc mà bản chất của gói hỗ trợ này là muốn tìm đúng người để hỗ trợ. Trong lúc dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội, cách ly phong tỏa… thì những người lao động tự do, lao động không có bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Vậy làm thế nào để gói hỗ trợ đến tay người lao động, tìm đúng người cần hỗ trợ thì đó là câu chuyện cần bàn.
Cho nên tôi nghĩ rằng chính sách hỗ trợ của chúng ta phải thông thoáng nhưng không để lọt những đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Theo tôi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần tính toán kỹ các điều kiện hỗ trợ cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính... Hiện nay các thủ tục hành chính đã thông thoáng rất nhiều nhưng tôi nghĩ cần phải thoáng hơn nữa.
Còn đối với doanh nghiệp, rõ ràng họ đang rất khó khăn, điều kiện xét hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng phải thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp không bị đứt gãy trong chuỗi sản xuất, cung ứng; được vay vốn với lãi suất thấp để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng phải phát huy nội tại, cố gắng vươn lên.
Với nguồn lực của Chính phủ hỗ trợ tuy không lớn nhưng cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp chống đỡ trong lúc khó khăn của dịch bệnh. Cho nên các doanh nghiệp cũng cần hợp tác với Chính phủ, nỗ lực cùng Chính phủ vượt qua đại dịch.
Tôi cũng xin kiến nghị Chính phủ có các giải pháp, chính sách có thể giãn, hoãn tối đa các khoản thuế, phí phải nộp cho doanh nghiệp. Tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng hỗ trợ cũng như các doanh nghiệp tham gia cụm, chuỗi liên kết cũng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho doanh nghiệp hiện nay. Sửa đổi những quy định hỗ trợ cho Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo cơ chế luồng xanh để cho hàng hóa của doanh nghiệp và người dân. Đẩy nhanh cơ chế tiêm vaccine cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú…
Biến chủng mới của dịch COVID-19 gây ra những diễn biến phức tạp tới tình hình kinh tế - xã hội của nước ta với số ca lây nhiễm và tử vong đều tăng mạnh, đặc biệt là ở các điểm nóng về dịch như ở các tỉnh, thành phía Nam. Đất nước đối mặt với thách thức lớn, chưa từng có tiền lệ kể từ khi đổi mới đến nay. Các cấp, các ngành, các địa phương đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội với mức độ mạnh theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!