Nhân viên làm việc tại một nhà hàng tại Manhattan, thành phố New York. Ảnh: AFP/TTXVN |
Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho hay doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 9/2016 ước đạt 459,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 0,6% so với tháng Tám. Kết quả này phù hợp với dự báo của giới phân tích, song diễn ra không đồng đều trên các mảng hàng hóa.
Doanh số bán lẻ tại các cửa hàng bách hóa, đồ điện tử và thiết bị đồng loạt giảm trong tháng Chín, trong khi doanh số bán nội thất, vật liệu xây dựng và xăng lại tăng. Chuyên gia kinh tế trưởng của IHS Markit, Chris Williamson cho rằng, nếu đánh giá một cách kỹ lưỡng, số liệu trên lại gây quan ngại bởi sự phục hồi doanh số bán lẻ trong tháng Chín đã che đậy những dấu hiệu về sức chi tiêu yếu kém của người dân Mỹ.
Theo ông Williamson, tình trạng này cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang "vật lộn" nhằm thoát khỏi tình trạng trì trệ diễn ra trong suốt nửa đầu năm nay. Kết quả trên đã nâng tổng doanh số bán lẻ của Mỹ trong quý III/2016 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn gần một nửa so với mức tăng 1,5% của quý II.
Bộ Lao động Mỹ cũng vừa công bố báo cáo cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 0,3% trong tháng 9/2016, sau khi không biến động trong tháng Tám và giảm 0,4% trong tháng Bảy. Con số này nằm ngoài mức dự báo tăng 0,2% của giới phân tích.
Trong vòng 12 tháng tính tới tháng Chín năm nay, PPI của Mỹ tăng 0,7%, mức tăng mạnh nhất theo chu kỳ 12 tháng kể từ tháng 12/2014. Nhân tố chính thúc đẩy đà tăng của chỉ số này là giá xăng tăng 5,3%. Trong khi đó, chỉ số PPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại) cũng tăng 0,3%, tương đương với mức tăng của tháng Tám.
Cùng ngày, báo cáo từ Bộ tài chính Mỹ đã chỉ ra rằng, sau khi một vài năm suy giảm, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng gần 34% trong tài khóa 2016 (kết thúc vào 30/9/2016). Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn con số dự kiến ban đầu khoảng 28 tỷ USD. Cụ thể, ngân sách chính quyền Tổng thống Barack Obama trong tài khóa 2016 bị thâm hụt 587 tỷ USD, trong khi tổng chi tiêu lên tới 3.850 tỷ USD.
Trong giai đoạn 2009-2013, khi nước Mỹ vẫn đang chống chọi để vực dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính, thâm hụt ngân sách nước này lên tới trên 1.000 tỷ USD, trước khi giảm xuống 439 tỷ USD vào năm 2015, giữa bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng chậm.