Trong quý I/2014 vừa qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã
đối mặt với mức trưởng tệ hại nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, không có
dấu hiệu cho thấy đầu tàu kinh tế thế giới rơi trở lại vào suy thoái. Đồ thị biểu hiện sự sụt giảm mạnh của nền kinh tế Mỹ trong quý 1/2014. Ảnh: WSJ
|
Theo báo cáo công bố ngày 25/6 của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong ba tháng đầu năm nay ở mức
-2,9%, giảm mạnh so với mức dự báo -1% đưa ra hồi tháng Năm. Nguyên nhân
chủ yếu dẫn tới sự suy giảm mạnh này là do hậu quả nặng nề của một mùa
Đông được đánh giá khắc nghiệt nhất trong nhiều thập kỷ qua. Các
chuyên gia cho rằng một mùa đông lạnh chưa từng có vừa qua đã làm giảm
ít nhất 1,5% GDP của Mỹ. Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn giữa dự báo và
thực tế khiến nhiều chuyên gia cho rằng còn nhiều lý do cho sự tuột dốc
tăng trưởng bên cạnh yếu tố thời tiết.
Báo cáo cho thấy chi
tiêu dùng, lĩnh vực đóng góp tới 70% cho hoạt động kinh tế của nước Mỹ,
tăng nhẹ ở mức 1%. Trong khi đó, xuất khẩu lại bất ngờ tụt dốc, giảm
8,9% và cắt đi 1,53% GDP của Mỹ. Một số nguyên nhân khác đằng sau mức
tăng trưởng âm còn phải kể đến là tốc độ bổ sung kho hàng chậm chạp của
doanh nghiệp, sụt giảm mạnh trong đầu tư vào các công trình phi dân cư
như giàn khoan dầu và chính sách cắt giảm chi tiêu quốc phòng chính phủ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng âm
trong quý I/2014 không đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ đang rơi lại
vào quỹ đạo suy thoái do những dữ liệu kinh tế của quý II cho tới thời
điểm hiện tại đang cho thấy những dấu hiệu "lội ngược dòng". Nhà kinh tế
trưởng công ty High Frequency Economics, ông Jim O'Sullivan, cho biết các chỉ số thị trường lao động và điều tra kinh
doanh đang phát đi các tín hiệu tích cực và giới chuyên gia kỳ vọng nền
kinh tế sẽ quay trở lại với tốc độ tăng trưởng mạnh 4% trong quý hiện
nay.
Trong một báo cáo riêng rẽ, Bộ Thương mại cho biết đơn
đặt hàng cho hàng hóa nội địa có giá trị sử dụng dài hạn (3 năm trở lên)
trong tháng Năm đã giảm 1%, tương đương 2,4 tỷ USD, so với tháng trước.
Đơn đặt hàng mất nhiều nhất ở các sản phẩm quốc phòng, theo sau đó là
mặt hàng máy bay dân sự với mức giảm lần lượt là 4 tỷ USD và 620 triệu
USD. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát chính sách cắt giảm chi tiêu quốc
phòng của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Bênh
cạnh đó là nhu cầu yếu tại nhiều lĩnh vực bao gồm vận tải, máy móc, máy
tính, thiết bị điện... Đây là lần đầu tiên lĩnh vực này tăng trưởng âm
trong 3 tháng trở lại đây tuy nhiên vẫn tăng 4,2% so với cùng kỳ năm
ngoái.
TTXVN/Tin Tức