Khủng hoảng nợ công Eurozone vẫn là mối đe dọa lớn đối với kinh tế thế giới. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Trong năm 2012, nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhìn chung suy trầm trên toàn thế giới trong bối cảnh châu Âu vẫn lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công dằng dai suốt ba năm qua, kinh tế Mỹ và Nhật Bản tăng trưởng “ì ạch”.
Các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng khá nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil cũng không đủ sức giúp kinh tế thế giới tránh khỏi đi xuống như người ta kỳ vọng khi mà chính các nước này cũng chẳng giữ được“phong độ” trong hoàn cảnh kinh tế sa sút chung.
Kinh tế thế giới năm 2012 diễn biến với nhiều “nốt trầm” và nhiều lần bị hạ mức dự báo tăng trưởng trong năm. Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2013 của Liên hợp quốc (LHQ) công bố trong những tuần cuối năm dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,2% trong năm 2012, thấp hơn so với mức dự báo 2,5% hồi tháng 6/2012 và tiếp tục tăng trưởng "dưới tiềm năng" với mức tăng 2,4% năm 2013 và 3,2% năm 2014.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế công bố trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 và 2013 từ 3,4% và 4,2% xuống 2,9% và 3,4%.
Châu Á - Thái Bình Dương, nốt “thăng” hiếm hoi Khủng hoảng nợ công châu Âu và kinh tế toàn cầu yếu kém, nỗi lo ngại về “vách đá tài chính” ở Mỹ, đà hồi phục của kinh tế toàn cầu chậm lại, cộng thêm những thách thức về cơ cấu, đầu tư yếu đi và sản lượng dư thừa trong nước đã khiến cho các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh ở châu Á, như Trung Quốc và Ấn Độ, đánh mất đà tăng trưởng nhanh cũng như không thể thêm màu sắc mới cho bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2012.
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc năm nay chỉ tăng 7,9%, nhỉnh hơn đôi chút so với ước đoán 7,5% của Chính phủ nước này và là mức thấp nhất kể từ năm 1999, do xuất khẩu yếu và tác động của các biện pháp hạ nhiệt của thị trường nhà đất. Nhìn chung, xuất khẩu sụt giảm là lý do cơ bản khiến các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tăng trưởng chậm lại trong năm Nhâm Thìn.
Tuy nhiên, báo cáo của LHQ nhận định rằng, xét tương quan với các khu vực khác, kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (TBD) năm 2012 vẫn khả quan với tốc độ tăng trưởng ước đạt 5,6%, dù không tránh khỏi tình trạng thấp hơn mức dự báo tăng 6,5% trước đó.
Theo đánh giá của WB, khu vực Đông Á đang phát triển, không tính Trung Quốc, là điểm sáng hiếm hoi của kinh tế toàn cầu. Màn trình diễn khá ấn tượng của những “ngôi sao sáng” Indonesia, Malaysia, Philippines và Myanmar sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực này lên 5,7% năm 2013 và 5,8% năm 2014.
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) ước đoán tăng trưởng 7,5% năm 2012 và 7,9% năm 2013, trong khi khu vực Đông Á và Nam Á (theo dự báo của LHQ) sẽ tăng trưởng lần lượt 5,8% và 4,4% trong năm 2012 và 6,2% và 5% năm 2013.
Về triển vọng tăng trưởng của kinh tế châu Á-TBD, các nhà kinh tế lạc quan rằng nhu cầu mạnh mẽ trong khu vực sẽ bù đắp mức tăng xuất khẩu chậm lại. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Á vừa công bố, Goldman Sachs đưa ra đánh giá khá lạc quan về triển vọng kinh tế châu Á, ngoại trừ Nhật Bản. Goldman Sachs dự báo châu Á sẽ tăng trưởng trung bình 6,9% năm 2013 và tăng 7 ,3%/năm từ năm 2014 đến 2016.
Eurozone vẫn là mối đe dọa lớn đối với kinh tế thế giới Tăng trưởng kinh tế giới năm Nhâm Thìn đối mặt ba nguy cơ lớn nhất là cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng sử dụng đồng euro (Eurozone), “vách đá tài chính” ở Mỹ và kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại đáng kể và đứng trước nguy cơ “hạ cánh cứng”.
LHQ cho rằng mỗi mối đe dọa này đều có thể khiến sản lượng kinh tế toàn cầu mất đi khoảng 1-3%. Trong tình huống xấu nhất, một cuộc suy thoái toàn cầu có thể sẽ xảy ra với “ngòi nổ” là ba mối đe dọa nói trên và nhiều khả năng sẽ khiến nhiều nước sa chân vào vòng luẩn quẩn của các biện pháp khắc khổ và tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhiều năm.
Tình hình Eurozone năm 2012 có thể gói gọn trong ba từ “dễ đổ vỡ”. Cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài ba năm qua đã kéo lần lượt Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Síp vào vòng xoáy, buộc những nước này phải xin cứu trợ của cộng đồng quốc tế để tránh vỡ nợ. Tây Ban Nha và Italy cũng đứng trước nguy cơ này.
Nhiều nền kinh tế châu Âu đã rơi vào suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone tăng lên mức cao kỷ lục gần 12% trong năm 2012. Khủng hoảng nợ đã suýt “cuốn” Pháp vào vòng xoáy này và kéo kinh tế Đức giảm tốc đáng kể. Eurozone rốt cuộc không tránh được suy thoái trở lại trong quý III/2012.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 6/12 nhận định kinh tế Eurozone giảm 0,5% trong năm 2012 và 0,3% năm 2013 trước khi có thể tăng 1,2% trong năm 2014. Kinh tế khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục yếu kém trong năm 2013, nếu có phục hồi thì cũng chỉ có thể vào cuối năm, nhờ chính sách lãi suất thấp, lòng tin cải thiện và nhu cầu toàn cầu mạnh lên.
Tuy nhiên, sau một năm nhiều nỗ lực, “mầm xanh hy vọng” đã trở lại vào mùa đón Giáng Sinh - Năm Mới khi các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm 2012 đã trao hai món quà Giáng Sinh ý nghĩa cho tương lai toàn châu Âu.
Món quà thứ nhất là việc EU đạt được thỏa thuận trao quyền cho ECB giám sát ngân chung các ngân hàng Eurozone, mở ra cơ hội các quỹ cứu trợ của Eurozone bơm vốn trực tiếp cho những nước khó khăn và là bước đi đầu tiên tiến tới việc thành lập liên minh ngân hàng vốn được kỳ vọng sẽ là lá chắn giúp châu Âu đối phó với khủng hoảng và cũng là bước đầu của châu lục này trên con đường tiến tới Liên minh Kinh tế và Tiền tệ thực sự.
Món quà thứ hai là việc Eurozone nhất trí giải ngân khoản cho vay cứu trợ tổng cộng 49,1 tỷ euro, giúp Hy Lạp tránh được nguy cơ vỡ nợ và phải rời khối.
Các nền kinh tế phát triển - “gót chân Asin” của kinh tế toàn cầu Mỹ: Nền kinh tế lớn nhất thế giới - tăng trưởng khá “ì ạch” trong năm 2012 và dự đoán chưa có sự cải thiện đáng kể trong năm 2013 và 2014. Nếu hai đảng tại Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận ngăn chặn kế hoạch tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 600 tỷ USD có hiệu lực từ đầu năm 2013, tức là tránh được “vách đá tài chính”, sau thời gian dài thương thảo kiểu “kéo co”, kinh tế Mỹ có nguy cơ mất đi 4% GDP và rơi vào suy thoái.
LHQ dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm 2012, 1,7% năm 2013 và 2,7% năm 2014.
Cho rằng kinh tế nước nhà vẫn cần sự hỗ trợ của các chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ, Mỹ đã thực thi gói nới lỏng định lượng (QE) tới lần thứ ba, giữ lãi suất ở mức cực thấp 0-0,25%, tiến hành chương trình hoán đổi trái phiếu (OT) và giữa tháng 12/2012 triển khai chương trình mua trái phiếu mới trị giá 45 tỷ USD/tháng thay cho chương trình OT đáo hạn vào cuối năm.
Mỹ vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà Mỹ cho là vẫn yếu, mặc dù về cuối năm, nền kinh tế này “đón nhận” một số “điểm sáng” trên thị trường nhà đất, chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động.
Nhật Bản: Các khoản đầu tư lớn để tái thiết những khu vực bị tàn phá bởi thảm họa động đất, sóng thần tháng 3/2011 đã giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phục hồi, song đà phục hồi này cũng “hụt hơi” khi các khoản chi này giảm.
Xét tổng thể, tình trạng giảm phát, sự tăng trưởng chậm lại của thương mại thế giới, nhu cầu trong nước yếu và xuất khẩu giảm sút, nhất là sang Trung Quốc, và lòng tin của các nhà chế tạo Nhật Bản trong quý IV/2012 xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua đang "dọa" đẩy Nhật Bản trước nguy cơ suy thoái lần thứ năm trong 15 năm trở lại đây. Đây cũng là thách thức lớn đối với Chính phủ của Thủ tướng mới của Nhật Bản, Shinzo Abe, sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản mới đây dự báo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này trong quý III/2012 giảm 0,9% và cả năm giảm tới 3,5%. Trong báo cáo gần đây, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 và 2013 từ 2,6% và 1,5% xuống 2% và 0,7%. Nhằm tiếp sức cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Ngân hàng trung ương Nhật Bản ngày 20/12 đã quyết định mở rộng chương trình mua tài sản thêm 10.000 tỷ yên (110 tỷ USD) lên 101.000 tỷ yên.
Mặc dù đã bốn năm trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát, kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi một cách chật vật. Trong bối cảnh kinh tế sa sút, "làn sóng kích thích tăng trưởng" đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, đi đầu là các nước G3 (Nhật Bản, Mỹ và Eurozone), thông qua việc triển khai các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, như QE, hạ lãi suất xuống mức thấp, OT và tái cấp vốn dài hạn (LTRO).
Tuy nhiên, WB cảnh báo việc các nước nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng có thể lợi bất cập hại, bởi nó sẽ dẫn tới làn sóng tăng trưởng tín dụng dư thừa và tạo ra những bong bóng tài sản ở những khu vực có triển vọng kinh tế sáng sủa hơn, như EAP. Xu hướng này sẽ trở thành nguy cơ lớn đối với những nước có tỷ lệ nợ/GDP ở mức cao và khả năng giám sát trong lĩnh vực tài chính còn yếu.
Trong khi đó, thương mại thế giới tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2012 và xu hướng này dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2013, do nhu cầu yếu cả ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu giảm cùng với sự hạn chế của nhu cầu trong nước đã và sẽ làm chậm đà tăng trưởng của nhiều nước đang phát triển và nhiều nền kinh tế trong giai đoạn chuyển giao.
Như Mai - Ngọc Tiến