Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã cảnh báo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước những rủi ro sau nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ táo bạo. Các nước trên thế giới hiện vẫn đang phải vật lộn để thực hiện các cải cách cơ cấu cần thiết nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển đi lên.
Trong đánh giá thường niên của WEF về những yếu tố thúc đẩy năng suất và sự thịnh vượng quốc gia, bản báo cáo đã xác định việc thực hiện không đồng đều các cải cách cơ cấu giữa các khu vực với các mức độ phát triển khác nhau là thách thức lớn nhất để duy trì tăng trưởng toàn cầu. WEF cũng đã nêu bật hai khía cạnh tài năng và đổi mới mà các nhà lãnh đạo trong khu vực công cũng như tư nhân cần phải cộng tác hiệu quả hơn để đạt được sự phát triển kinh tế bền vững và toàn diện.
Theo Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) được WEF công bố ngày 3/9, Mỹ đã cải thiện vị trí cạnh tranh của mình trong năm thứ hai liên tiếp, leo hai bậc lên vị trí thứ ba nhờ tăng điểm ở khung thể chế và đổi mới. Thụy Sĩ tuy đứng đầu bảng xếp hạng trong sáu năm liên tiếp, song WEF cảnh báo những khó khăn ngày càng gia tăng của các công ty trong việc thu hút các công nhân có kỹ năng đang đe dọa đến khả năng cạnh tranh của Thụy Sĩ trong tương lai.
Ảnh minh họa.
|
Như những năm trước, Thụy Sĩ được hưởng lợi từ sự minh bạch của các tổ chức, có khả năng nghiên cứu và đổi mới, hợp tác tuyệt vời giữa các khu vực công và tư nhân, một thị trường lao động hiệu quả, hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng tốt. Nhưng từ năm 2012, Thụy Sĩ đã giảm từ vị trí 14 xuống 24 về chỉ số đo lường sự sẵn có của các kỹ sư và nhà khoa học. Lãnh đạo các doanh nghiệp - những người tham gia trả lời báo cáo của WEF - đã phản ánh việc tìm kiếm nhân viên có tay nghề cao đang trở thành vấn đề lớn nhất khi làm ăn với Thụy Sĩ.
Singapore tiếp tục giữ vị trí thứ hai. Phần Lan đứng thứ 4 và Đức đứng thứ 5, cả hai đều bị tụt một bậc. Tiếp đến là Nhật Bản (thứ 6) mà đã tăng thêm được ba bậc, trong khi Hồng Kông vẫn đứng thứ 7. Các vị trí tiếp theo thuộc về những nền kinh tế mở cửa, dựa trên mảng dịch vụ của châu Âu như Hà Lan (thứ 8) và Vương quốc Anh (thứ 9). Thụy Điển đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới.
Các nền kinh tế hàng đầu nói trên đều được đánh giá cao về hồ sơ phát triển, tiếp cận cũng như sử dụng những tài năng có sẵn, tiến hành đầu tư thúc đẩy sự đổi mới, có phương pháp phối hợp dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân.
Tại châu Âu, một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng kinh tế, chẳng hạn như Tây Ban Nha (xếp thứ 35), Bồ Đào Nha (36) và Hy Lạp (81), đã có những bước tiến đáng kể để cải thiện hoạt động của thị trường và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Đồng thời, một số nước tiếp tục phải đối mặt với những thách thức cạnh tranh lớn do chưa tham gia đầy đủ vào quá trình này, ví dụ như Pháp (đứng thứ 23) và Italy (49). Trong khi sự khác biệt giữa khu vực Bắc Âu có sức cạnh tranh cao, còn khu vực phía Nam và Đông Âu vẫn tụt hậu.
Một số nền kinh tế thị trường mới nổi lớn nhất thế giới tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh. Saudi Arabia (đứng thứ 24), Thổ Nhĩ Kỳ (45), Nam Phi (56), Brazil (57), Mexico (61), Ấn Độ (71) và Nigeria (127) - tất cả đều bị tụt bậc trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, Trung Quốc (xếp thứ 28) lại đi lên một bậc và vẫn xếp hạng cao nhất trong nhóm BRICS.
Tại châu Á, tình hình cạnh tranh vẫn mang tính tương phản. Các động lực cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á khá đáng kể. Đằng sau Singapore (đứng thứ 2), năm quốc gia lớn nhất khu vực (ASEAN) - Malaysia (đứng thứ 20), Thái Lan (31), Indonesia (34), Philippines (52) và Việt Nam () - tất cả đều đạt được tiến bộ trong bảng xếp hạng. Philippines được đánh giá là quốc gia tiến bộ nhất kể từ năm 2010.
Để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và tiếp tục giữ đà tăng tưởng trong những năm qua, các nền kinh tế chủ chốt khu vực Mỹ Latinh vẫn có nhu cầu thực hiện cải cách và tham gia vào đầu tư sản xuất để cải thiện cơ sở hạ tầng, kỹ năng và đổi mới. Với thứ hạng 33, Chile tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng khu vực, đứng trước Panama (48) và Costa Rica (thứ 51).
Bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn địa chính trị, Trung Đông và Bắc Phi được mô tả trong một bức tranh hỗn hợp. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (đứng thứ 12) dẫn đầu và nhảy được bảy bậc, trước Qatar (thứ 16). Mức tương phản thể hiện ở các nước Bắc Phi, nơi mà nước giữ vị trí cao nhất là Marốc (đứng thứ 72). Việc bảo đảm cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường năng lực sáng tạo cho phép khu vực tư nhân phát triển, tạo ra công ăn việc làm đóng vai trò quan trọng đối với khu vực.
Châu Phi cận Sahara tiếp tục giữ mức tăng trưởng ấn tượng gần 5%. Để duy trì động lực này đòi hỏi khu vực phải hướng tới hoạt động sản xuất và giải quyết những thách thức cạnh tranh dai dẳng. Chỉ có ba nền kinh tế tiểu vùng Sahara, trong đó có Mauritius (đứng thứ 39), Nam Phi (56) và Rwanda (62) ghi được điểm ở nửa trên của bảng xếp hạng. Nhìn chung, các thách thức lớn nhất đối với khu vực này vẫn là việc giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng, nhân tố vật chất và con người mà tiếp tục cản trở năng lực, làm ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường có giá trị gia tăng cao hơn.
Ông Klaus Schwab, người sáng lập và là chủ tịch điều hành WEF nhận xét: Tình hình căng thẳng địa chính trị toàn cầu, sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập, và việc thắt chặt tiềm năng của các điều kiện tài chính có thể đặt sự phục hồi kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ. Ông kêu gọi cải cách cơ cấu để đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện.
Ông Xavier Sala-i-Martin, giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia ở Mỹ, nói thêm: Sự tách biệt giữa các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển - một đặc trưng cho những năm sau cuộc suy thoái toàn cầu - dường như không còn. Hiện nay lại xuất hiện một sự phân tách mới giữa các nền kinh tế tăng trưởng cao và thấp trong cả hai thế giới đang phát triển và phát triển. Ở đây, tính năng phân biệt các nền kinh tế có khả năng phát triển nhanh chóng chính là khả năng cạnh tranh thông qua cải cách cơ cấu.
Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)