Các nhà đầu tư tại Công ty chứng khoán Fuyang, tỉnh miền đông An Huy. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC của Mỹ hôm 4/1, Giám đốc Quản lý đầu tư toàn cầu của Ngân hàng Citi Bank David Bailin cho biết kinh tế Trung Quốc năm 2015 đã rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu xem xét số liệu kinh tế và sự chấn động của thị trường chứng khoán gần đây có thể thấy áp lực hụt hơi của kinh tế Trung Quốc không hề giảm xuống mà có xu hướng tiếp tục tăng lên. Trong năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của nước này có thể chỉ đạt 4% - 5% và sẽ trở thành nỗi lo lớn nhất toàn cầu.
Không chỉ có Citi Bank, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có nhận định tương tự. Theo chuyên gia kinh tế trưởng IMF Maury Obstfeld, kinh tế Trung Quốc sụt giảm tăng trưởng sẽ là một rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu năm 2016. Nhu cầu nhập khẩu và nhu cầu về hàng hóa cơ bản của Trung Quốc đi xuống chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất của thế giới và ảnh hưởng đó lớn hơn nhiều so với những dự đoán đưa ra trước đây. Đặc biệt, trong trường hợp tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thấp hơn mục tiêu chính phủ đề ra, thị trường tài chính thế giới có thể sẽ thêm một lần bị chấn động.
Trên thực tế, với quy mô ngày một lớn, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đối với thế giới ngày càng tăng. Cơn chấn động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu từ ngày 15/6/2015 và việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) 2% vào ngày 11/8/2015 đều gây sốc toàn cầu.
Bước sang năm 2016, việc thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa sớm ngay phiên giao dịch đầu tiên với hơn 1.200 cổ phiếu giảm sàn tiếp tục làm điêu đứng nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Theo hãng tin Bloomberg, tình hình ngày 4/1 đã buộc các lực lượng nhà nước của Trung Quốc phải can thiệp vào thị trường ngay trong sáng hôm sau. Tuy nhiên, biên độ dao động trong ngày vẫn khá lớn cho thấy tâm lý các nhà đầu tư chưa thể ổn định.
Một vấn đề nữa được dư luận quốc tế quan tâm là diễn biến của đồng NDT trong năm 2016. Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Dự kiến, trong năm 2016, đồng euro sẽ giảm giá ít nhất 6%. Nhằm bảo vệ sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, Trung Quốc nhiều khả năng phải phá giá đồng NDT ở mức tương ứng. Nhưng áp lực giảm giá đồng NDT không chỉ đến từ đồng euro.
Khác với tháng 8/2015, năm nay, đồng NDT còn phải chịu ảnh hưởng từ việc đồng USD mạnh lên sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào trung tuần tháng 12/2015. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC qua truyền hình hôm 4/1, cựu Chủ tịch FED tại San Francisco John Williams cho rằng năm 2016, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trên 2,25%, tỉ lệ thất nghiệp dưới 5% và lạm phát dần trở về mức 2%, đủ điều kiện để FED tăng lãi suất từ 3-5 lần.
Cuối năm 2015, tờ “Kinh tế Tham khảo” cho biết đa số ngân hàng dự đoán đồng NDT sẽ mất giá 5%-7% trong năm 2016. Nhưng bước sang năm 2016, Trưởng Bộ phận sách lược đầu tư dịch vụ thuộc Ngân hàng Citi Bank Trương Mẫn Hoa nhận định trong 6-12 tháng tới, tỉ giá giữa đồng NDT và đồng USD có thể sẽ cán ngưỡng 6,8 NDT/1 USD.
Theo báo điện tử “Đa chiều”, mức 6,8 NDT đổi 1 USD phản ánh sự thay đổi ôn hòa còn trong kịch bản cấp tiến, 1 USD có thể tương đương 7,5 NDT. Tuy nhiên, do rất chú trọng tới việc kiểm soát rủi ro tài chính, cho nên, kịch bản cấp tiến không phải là phương án được Bắc Kinh lựa chọn.
Từ diễn biến trên thị trường chứng khoán và điểm chung trong nhận định về xu hướng tỉ giá đồng NDT có thể thấy để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 (dự kiến là 6,5%), Trung Quốc phải đối mặt với thách thức rất lớn. Do tăng trưởng tiếp tục đi xuống, tờ “Tin tức Thế giới” dự đoán Trung Quốc có thể sẽ phải áp dụng tất cả các biện pháp kích thích kinh tế cần thiết. Thậm chí, Bắc Kinh sẽ không ngần ngại từ bỏ một số nội dung cải cách.
Việc cải cách các doanh nghiệp nợ nần chồng chất vốn là một trọng điểm cải cách. Nhưng do kinh tế đi xuống, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Trung Quốc lại bắt đầu bơm tiền, kéo dài tiến trình cải cách cho các “doanh nghiệp xác chết” này, làm tăng nợ xấu.
Trong khi đó, số liệu mà báo trên có được cho thấy tới cuối năm 2015, nợ xấu đã chiếm 15% tổng tiền cho vay của toàn bộ hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Tình hình đã rất giống với những gì diễn ra ở Mỹ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát vào năm 2008.