Kinh tế Trung Quốc suy giảm: Ai bị ảnh hưởng lớn nhất?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2013 của Trung Quốc thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ không chỉ làm gia tăng áp lực hoàn thành mục tiêu GDP cả năm, mà còn khiến thị trường mới nổi, bao gồm khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề.

Ngày 15/7 vừa qua, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm 2013 của nước này. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc giảm từ mức 7,7% của quý I xuống còn 7,5%, là mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc là 7,6%.

Xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm về nhu cầu của thế giới. Ảnh: Internet.


Người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Thịnh Lai Vận cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II giảm nhẹ là kết quả chủ động điều chỉnh (kết cấu kinh tế) của chính phủ nước này. Về tổng thể, trong 6 tháng đầu năm 2013, kinh tế Trung Quốc vận hành bình ổn, các mục tiêu chủ yếu vẫn nằm trong khu vực hợp lý, dự kiến cho cả năm.


Tuy nhiên, việc GDP của Trung Quốc giảm hai quý liên tiếp và tăng trưởng 6 tháng đầu năm tiến sát tới mục tiêu tăng trưởng cả năm là 7,5% khiến áp lực ổn định tăng trưởng 6 tháng cuối năm tăng lên. Theo trưởng bộ phận liên tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC, ông Khuất Hồng Bân, cho dù giới quyết sách Trung Quốc hiện nay nhấn mạnh rằng trọng điểm công tác là cải cách kết cấu (kinh tế) và đã nâng cao mức độ chịu đựng đối với việc kinh tế giảm tốc, nhưng điều đó không có nghĩa họ có thể chấp nhận tình trạng kinh tế tuột dốc mạnh.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Hoa của Merrill Lynch Lục Đình cho rằng chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đưa ra một số chính sách tài chính để ổn định kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 7,5%. Ông Lục Đình dự đoán các ngành được lợi từ chính sách này gồm nhà bảo đảm xã hội, đường sắt, xây dựng hạ tầng IT, chế tạo xe hơi chạy bằng năng lượng mới…


Kinh tế Trung Quốc suy giảm không chỉ gây ra áp lực trong nước, mà còn gây ra sóng xung kích đối với thị trường mới nổi, bao gồm khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu của Trung Quốc kích thích mạnh kinh tế Đông Nam Á. Trong 15 năm qua, tổng mức trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng hơn 30 lần. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chủ yếu của ASEAN. Giờ đây, khi kinh tế Trung Quốc suy giảm, ảnh hưởng của nó chắc chắn sẽ bao trùm cả khu vực này, đặc biệt là với các nước xuất khẩu nguyên liệu như Indonesia và Thái Lan.

Theo tờ “Kinh tế Nhật báo” của Hong Kong, hàng hóa xuất khẩu của Indonesia, nước lớn nhất về kinh tế của ASEAN, sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là than, thiếc, cao su, ca cao và dầu cọ… Nhờ đó, trong 6 năm qua, kinh tế Indonesia đã có 5 năm tăng trưởng trên 6%. Cùng với sự sụt giảm về nhu cầu của Trung Quốc, giá hàng hóa giảm mạnh đã làm liên lụy tới kinh tế Indonesia. Quý I/2013, GDP của Indonesia chỉ tăng 6%, là mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi qua. Có chuyên gia kinh tế dự đoán, tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm 2013 lần đầu tiên có thể giảm xuống dưới 6%.

Giống Indonesia, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi sự thu hẹp nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu tháng 5/2013 của Thái Lan đã giảm 5,3% so với cùng kỳ, trong đó linh kiện điện tử và cao su là hai ngành hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan (NESDB) mới đây cho biết tăng trưởng GDP quý I/2013 của nước này chỉ đạt 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do sản lượng công nghiệp sụt giảm mạnh. Đây thực sự là một sự thụt lùi lớn so với mức tăng trưởng kỷ lục đạt được vào quý IV/2012 (19,1%) .

Là trung tâm tài chính của khu vực, Singapore được lợi từ sự tăng trưởng của khách du lịch Trung Quốc và sự hưng vượng trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, ít thấy bóng dáng ảnh hưởng từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, có chuyên gia cảnh báo, nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống, cuối cùng, các ngành nghề xuất khẩu thế mạnh của Singapore như điện tử, dược phẩm và sản phẩm dầu mỏ cũng sẽ bị liên lụy. Hơn nữa, hiện nay, không ít doanh nghiệp Singapore đầu tư xây dựng nhà máy công xưởng sản xuất, cơ sở dịch vụ ở Trung Quốc. Đây cũng là những đối tượng có thể bị ảnh hưởng từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc.


Gia Hân

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á
ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á trong năm nay, từ 6,6% xuống còn 6,3% và năm tới giảm từ 6,7% xuống 6,4%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN