Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đến nay, tất cả những vấn đề phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả các quyền cho các bộ, ngành và địa phương. Theo đó, nguồn vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ tiếp tục được tháo gỡ và cùng đó là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trong thời gian tới.
Chuyển biến từ thực tiễn
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khối cơ quan Trung ương, Bộ Giao thông vận tải thực hiện được 25.582 tỷ đồng, tăng 79,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện được 2.198 tỷ đồng, tăng 54,9%. Nhiều địa phương cũng tăng tốc trong tháng 5, TP Hồ Chí Minh thực hiện được hơn 10.260 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2022; Bình Dương thực hiện được hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 95,8%. Hòa Bình thực hiện được 3.087 tỷ đồng, tăng đến 99% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện để góp phần phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, ban hành 16 nghị quyết, 6 công điện, 2 chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ và các bộ trưởng đôn đốc công tác giải ngân.
Các thành viên Chính phủ cũng trực tiếp làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 7 công điện, 6 văn bản đôn đốc hướng dẫn và trực tiếp làm việc với rất nhiều địa phương để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân đã có tiến bộ rất tích cực. Tinh thần chung, Thủ tướng vẫn chỉ đạo quyết tâm phấn đấu đạt 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những bộ, ngành, địa phương thực hiện, giải ngân tốt vốn đầu tư công, vẫn còn nhiều đơn vị giải ngân thấp. Cụ thể, Quảng Ninh đạt 4.729 tỷ đồng, giảm 17,7%; Hà Nội đạt 14.898 tỷ đồng, giảm 4,2%; Nghệ An đạt 3.073 tỷ đồng, giảm 3,6%... Do đó, kế hoạch vốn năm 2023 còn rất nhiều, áp lực giải ngân thời gian tới rất lớn.
Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc thù của thời gian đầu năm, nhiều bộ, cơ quan trung ương cần giải ngân hết số vốn đang làm thủ tục kéo dài giải ngân; hoàn trả khối lượng ứng trước đối với những dự án mới ký hợp đồng.
Bên cạnh đó, dự án phải có khối lượng hoàn thành thì mới có thể nghiệm thu, thanh toán; dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, chưa có khối lượng để giải ngân. Nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương là công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao, vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Không những thế, năng lực trình độ, hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước của một số cán bộ quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến việc cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý và phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị khác…
Triệt để phân cấp, phân quyền
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm; thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu, cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế.
Riêng năm 2023 có một số đặc thù, đó là quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm (710.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 23% so với năm 2022). Các yếu tố phát sinh về giá, nguyên nhiên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng. Tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Đến nay, tất cả những vấn đề phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả các quyền cho các bộ, ngành và địa phương. Phân cấp triệt để được Bộ trưởng chỉ rõ hơn từ khâu lựa chọn dự án, đến lập dự án, đến chuẩn bị dự án cho đến giải ngân đầu tư công, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu dự án, triển khai, tổ chức thi công...
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay các cơ quan trung ương chỉ làm công tác tổng hợp và rà soát, đúng như thế sau đó báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để phân giao và phân giao một cục về cho địa phương, trên cơ sở kế hoạch trung hạn 5 năm địa phương phân chi tiết cho từng dự án, các bộ trên trung ương không còn làm những việc đó nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Chỉ ra thực tế cùng một mặt bằng pháp lý mà địa phương giải ngân cao, địa phương đạt thấp, đó là ở khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các địa phương cần quan tâm công tác giải ngân tại địa phương mình, ngành mình, góp sức tạo chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Trần Việt Trường cho biết, UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính sẽ điều tiết cắt giảm các dự án không cần thiết để chuyển sang các dự án thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố, tập trung thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 đạt tỷ lệ cao nhất.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cương quyết điều chuyển vốn đầu tư những nơi chưa hoàn chỉnh hồ sơ giải phóng mặt bằng, giải ngân chậm để phân bổ cho những nơi làm tốt công tác này. Khắc phục tình trạng vốn chờ công trình, ghi vốn trước, làm các bước thủ tục sau.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, thời gian qua, Quốc hội đã cho thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù ở một số địa phương; trong đó, có thí điểm ở lĩnh vực đầu tư công. Ở các kỳ họp trước, Quốc hội cũng đã cho phép Chính phủ khi triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, được phép chỉ định thầu đối với một số gói thầu để rút ngắn thời gian thực hiện. Từ đó, sẽ có tổng kết, đánh giá để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư công.
Để đẩy nhanh việc giải ngân, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số giải pháp như: rà soát lại quy định pháp luật; trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Cùng với đó, tăng cường công tác giám sát tại địa phương và các ngành, giúp cho công tác giải ngân đầu tư công đạt hiệu quả, kết quả cao hơn...