Phát biểu tại họp báo, người đứng đầu PSA, ông Dennis Mapa cho biết nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao là chỉ số nhà ở, điện, nước, khí đốt và các loại nhiên liệu khác tăng 8,5%. Giá lương thực và đồ uống không có cồn (tăng 10,7%) cũng góp phần làm tăng lạm phát, trong khi mức tăng của dịch vụ nhà hàng và khách sạn ở mức 7,6%.
Chính phủ Philippines dự báo sức ép lạm phát sẽ giảm bớt từ năm 2023 - 2024, vì đà phục hồi toàn cầu thấp hơn dự báo.
Tương tự, ngày 7/2, Cục Thống kê Lào cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này so với cùng kỳ năm ngoái tiếp tục leo thang, lên tới 40,3% trong tháng 1/2023, tăng 1,03% so với tháng 12/2022. Đây là mức lạm phát cao nhất từng được ghi nhận trong 23 năm qua tại Lào.
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, cơ quan trên nhận định đồng kip mất giá so với đồng USD và đồng baht của Thái Lan, giá nhiên liệu cao là một trong những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát khiến giá sản phẩm nhập khẩu từ các nước láng giềng tăng cao. Giá nhiên liệu tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất lên cao do máy móc, thức ăn chăn nuôi và phân bón… đều phải nhập khẩu với giá ngày càng cao.
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng vọt ngoài dự đoán kể từ đầu năm ngoái. Tính chung, lạm phát trung bình của Lào trong năm 2022 lên tới 23%, tăng mạnh so với mức 3,8% trong năm 2021.
Đây có thể là đợt lạm phát tồi tệ nhất mà Lào phải chứng kiến kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, với việc đồng kip mất giá đáng kể so với đồng baht của Thái Lan và USD. Để đối phó với tình hình này, Chính phủ Lào đã ban hành nhiều chính sách để kiểm soát sự mất giá của đồng nội tệ, bao gồm tăng lãi suất và sử dụng dự trữ ngoại hối để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tỷ giá hối đoái…
Cục Thống kê Lào dự báo lạm phát sẽ duy trì ở mức hai con số trong quý I và quý II/2023, tuy nhiên các biện pháp kiểm soát giá cả sản phẩm và dịch vụ của chính phủ có thể sớm mang lại kết quả khả quan, giúp tỷ lệ lạm phát ở Lào sẽ giảm vào cuối năm. Chính phủ Lào trước đó cũng đã cam kết sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này ở mức ít nhất 4,5% và giảm tỷ lệ lạm phát xuống mức 9% trong năm 2023.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan dự báo lạm phát ở nước này sẽ tiếp tục giảm trong suốt năm nay sau khi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1/2023 đã giảm mức thấp nhất trong vòng 9 tháng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 6/2, Bộ Thương mại Thái Lan thông báo lạm phát toàn phần của nước này trong tháng 1 tăng 5,02% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên đã giảm so với mức tăng 5,89% vào tháng 12/2022, nhờ giá năng lượng, tiêu dùng và đồ ăn có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vào tháng 12/2022, tỷ lệ lạm phát của nước này đứng thứ 32 trong số 129 nền kinh tế, thấp so với nhiều nước khác bao gồm Mỹ, Anh, Italy, Mexico và một số nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Lào, Philippines và Singapore.
Theo bộ trên, lạm phát cơ bản tăng 3,04% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với mức tăng 3,23% được ghi nhận trong tháng 12 do chi phí sản xuất chung vẫn ở mức cao.
Ông Wichanun Niwatjinda, Phó Tổng Giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách thương mại, cho biết: “Áp lực lạm phát trong năm nay dự kiến sẽ giảm bớt ngoại trừ xuất hiện tình huống bất thường như cuộc xung đột tại Ukraine”. Theo ông, các yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát năm nay bao gồm việc giá năng lượng (nhiên liệu, điện và khí đốt) vẫn ở mức cao và giá thực phẩm tăng do chi phí sản xuất cao, bao gồm chi phí nguyên liệu, vận chuyển và tiền lương, cùng với nhu cầu ngày càng tăng từ khách du lịch và các biện pháp kích thích của chính phủ. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến nhu cầu và giá nhiên liệu giảm, trong khi đó việc đồng baht tăng giá sẽ làm giảm chi phí nhập khẩu và hạn chế đà tăng của lạm phát.