Tuy nhiên, cho đến nay việc lắp đặt camera vẫn còn chậm, ngoài lý do khách quan do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 còn do các cơ quan quản lý chưa ban hành quy chuẩn cho thiết bị này.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện tại việc lắp đặt camera giám sát theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của các doanh vận tải còn chậm, nhất là tại các tỉnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Sau khi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và nhiều hiệp hội vận tải ô tô địa phương kiến nghị lùi thời gian lắp camera do nhiều doanh nghiệp kinh doanh khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/2021/NQ-CP nêu rõ: “Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện quy định lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ quyết định tạm ngừng áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính với xe khách, xe tải chưa lắp camera đến hết ngày 31/12/2021”.
Tuy nhiên, thời gian lùi lại không nhiều mà tiến độ lắp đặt camera của các doanh nghiệp đang chậm nên trung tuần tháng 8 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải có công văn hỏa tốc gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải phải xây dựng kế hoạch lắp đặt cụ thể và cam kết hoàn thành trước ngày 31/12/2021 theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 66/2021/NQ-CP của Chính phủ.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, có nhiều lợi ích khi lắp camera; trong đó, doanh nghiệp và cơ quan chức năng có thể giám sát được trạng thái của lái xe như: nghe điện thoại, mất tập trung, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định và các hành vi mất an toàn giao thông khác…
Dưới góc độ doanh nghiệp, đề cập đến lợi ích của camera, ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Công ty Hùng Hương, tỉnh Bắc Ninh, chuyên kinh doanh dịch vụ xe chở công nhân chạy cho Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang cho biết, trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay, camera là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở từ lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe khách tại Hải Phòng (xin giấu tên) thừa nhận lợi ích của việc lắp camera sẽ phục vụ tốt hơn việc quản lý của doanh nghiệp. Tuy vậy, vị đại diện này cho hay, đơn vị đang băn khoăn trong việc lựa chọn thiết bị, do chưa có quy chuẩn. Do đó, cơ quan chức năng phải công bố quy chuẩn để doanh nghiệp không nhầm lẫn, bởi sẽ có có tâm lý "giá rẻ để lắp cho xong".
Đồng quan điểm với doanh nghiệp trên, ông Nguyễn Văn An, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Tường An, tỉnh Hải Dương kiến nghị cơ quan chức năng sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật để tránh trường hợp doanh nghiệp đầu tư xong rồi, mai sau những camera này lại không đạt tiêu chuẩn phải đầu tư mới rất lãng phí, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ vì dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia giao thông, việc bắt buộc doanh nghiệp vận tải lắp camera đối với xe trên 9 chỗ và xe container chỉ còn thời hạn gần 4 tháng trong khi quy chuẩn và hướng dẫn việc lắp đặt này chưa có. Điều này chắc chăn sẽ gây nhiều khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và nhà sản xuất.
Trước những khó khăn trong việc triển khai lắp camera giám sát, nhiều chuyên giao thông có cùng nhận định, cách đây gần 10 năm, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên nhờ nỗ lực của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đến nay đã thu được những kết quả tích cực.
Nhớ lại thời điểm đầu mới áp dụng lắp thiết bị giám sát hành trình, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp vận tải thờ ơ trong việc lắp thiết bị giám sát hành trình và vẫn còn tình trạng can thiệp vào phần cứng, gây gián đoạn tín hiệu của thiết bị GPS như lắp công tắc ngắt nguồn, cắt ăng ten để không truyền dữ liệu về cơ quan quản lý.
“Có thể mục đích ban đầu khi doanh nghiệp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chỉ đơn giản là để đối phó, tránh bị xử phạt. Song những kết quả mang lại trong quá trình khai thác, sử dụng tính năng của thiết bị giám sát hành trình cùng với việc tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước nên nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mang tính chủ động hơn”, ông Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay, rất nhiều đơn vị vận tải mong muốn cơ quan chức năng sớm ban hành các tiêu chuẩn về thiết bị camera. Trong đó có việc tích hợp thiết bị giám sát hành trình và camera để giảm chi phí lắp đặt, giảm thao tác nhập liệu, giảm chi phí truyền dữ liệu từ 2 đường truyền còn 1 đường truyền và giảm các chi phí duy trì lâu dài về sau.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, hướng dẫn chung việc lắp đặt thiết bị camera giám sát cho các xe kinh doanh vận tải đã được Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn tại Thông tư 12/2020/TT-BGTVT. Còn việc ban hành tiêu chuẩn camera hiện các đơn vị của Bộ đang phối hợp tích cực với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng xây dựng và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới.
Hiện Dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về thiết bị camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải được quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đang được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) lấy ý kiến các đơn vị chức năng.
Theo đó, TCVN về thiết bị camera giám sát lần này quy định là thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G được gắn thêm đầu thu camera. Bên cạnh đó, TCVN cũng quy định cụ thể về định dạng video, định dạng và kích thước ảnh, thời gian lưu trữ. Thiết bị ghi nhận hình ảnh làm việc của lái xe, với xe khách ghi nhận thêm cửa lên xuống và khoang hành khách. Hình ảnh ghi nhận rõ nét trong mọi điều kiện ánh sáng (kể cả ban đêm) và được đính kèm các thông tin: Biển kiểm soát, thông tin lái xe, tọa độ, thời gian.
Dự thảo TCVN cũng nêu rõ, thay vì lắp cả 2 thiết bị trên xe, chỉ cần lắp 1 thiết bị camera giám sát hành trình. Theo một chuyên gia công nghệ, việc này giúp giảm chi phí duy trì, từ việc duy trì 2 simcard còn 1 simcard, 2 chi phí bảo hành còn 1 chi phí bảo hành, giảm tránh tổn hại ắc quy và hao phí nhiên liệu.