Đây là một trong những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các vùng vải thiều của huyện. Lực lượng trực chốt có nhiệm vụ kiểm soát việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, phun thuốc khử khuẩn, theo dõi việc đi, đến của người dân; kiểm tra phương tiện vận tải nơi khác vào huyện thu mua vải…
Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện cũng yêu cầu Trung tâm Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả người làm việc tại các điểm cân hàng và lái xe chở vải. Hằng ngày, những người này phải thực hiện khai báo y tế vào cuối ngày với cơ quan chức năng. Những lái xe ngoại tỉnh đến thu mua vải nếu không đảm bảo các yếu tố phòng, chống dịch thì sẽ không được vào địa bàn. Tuy nhiên, nếu đã có đơn hàng thì huyện Thanh Hà sẽ tiến hành phun khử khuẩn phương tiện và buồng lái; đồng thời, bố trí lái xe thay thế để điều khiển xe vào thu mua vải và lái trở ra.
Hiện Thanh Hà có hơn 70 điểm thu mua vải, tập trung ở các xã Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Quang, Thanh Cường. Những năm trước, có nhiều thương lái người Trung Quốc về đặt điểm thu mua, nhưng năm nay do dịch COVID-19 nên thương lái chủ yếu là người địa phương.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, cùng ngày 1/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã yêu cầu chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để quản lý chặt chẽ những người từ các địa phương có dịch đến, về tỉnh Hải Dương.
Đối với những người về tỉnh Hải Dương từ các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa hay đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì phải thực hiện cách ly tập trung như trường hợp F1 và phải chịu toàn bộ chi phí cách ly tập trung.
Những người đi từ những tỉnh, thành phố có dịch nhưng không cư trú, làm việc trong các khu vực đang bị cách ly, phong tỏa hay giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì khi đến, về Hải Dương phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt tại nhà như các trường hợp F2.
Đối với những trường hợp đặc biệt (công vụ, vận chuyển hàng hóa…) phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của tỉnh Hải Dương như: phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR âm tính trong thời gian 7 ngày, kể từ ngày xét nghiệm và thực hiện khai báo y tế tại chốt kiểm dịch; thực hiện 5K suốt hành trình...
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan thực hiện quản lý nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 gắn với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương cần tăng cường quản lý, nắm bắt thông tin, rà soát kỹ các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của các tổ chức chưa được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động và các hoạt động tín ngưỡng tư gia, tập trung, tự pháp… để có biện pháp quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các hoạt động này.
Bên cạnh công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các qui định phòng, chống dịch. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn do yếu tố chủ quan, thiếu kiểm soát.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, trong ngày 1/6, Hải Dương không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh đã ghi nhận 49 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có 10 trường hợp đã khỏi bệnh và được ra viện, tiếp tục về cách ly theo quy định tại nơi cư trú. Hiện Hải Dương có 15.355 trường hợp phải cách ly; trong đó, có 161 người cách ly tại Trung đoàn 125, 54 người cách ly tập trung tại khách sạn, 829 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 14.311 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.