Hiện Việt Nam đã có sàn giao dịch chứng khoán, hàng hóa và gần đây nhất là sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ đã và đang phát huy hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Xây dựng báo cáo về việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ trực tiếp chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất.
Theo ông Mai Văn Phấn - Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện đơn vị này đang nghiên cứu giải pháp để báo cáo Thủ tướng. Về cơ bản việc giao dịch quyền sử dụng đất qua sàn sẽ giúp minh bạch giá mua bán quyền sử dụng đất trong thời gian tới.
Các chuyên gia nhận định, mô hình sàn giao dịch quyền sử dụng đất là một đột phá và hoàn toàn mới tại Việt Nam. Dù đang ở bước nghiên cứu và xây dựng nhưng việc hình thành sàn giao dịch quyền sử dụng đất là một tín hiệu tốt. Việc cơ quan quản lý vận hành sàn giao dịch quyền sử dụng đất có thể giúp minh bạch hóa thông tin, khiến thị trường ổn định.
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, hoàn thiện các quy định liên quan đến bất động sản. Ngoài ra, cần có cơ chế đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.
Bên cạnh đó, để minh bạch hóa dữ liệu bất động sản, hiện Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan thu thập, cập nhật dữ liệu giao dịch trong điều kiện ổn định bình thường, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ giá đất toàn quốc.
Bởi vậy, việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất cũng nhằm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Sàn giao dịch chính là nơi tập trung hàng hóa, để người mua, bán kết nối và giao dịch. Khi cơ quan quản lý xây dựng sàn giao dịch tập trung sẽ cung cấp thông tin cụ thể về hàng hóa để người mua tham khảo trước khi quyết định, giúp thị trường tăng tính công khai, minh bạch.
Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Chí Thanh nhận xét, việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ tạo ra “sân chơi" để hỗ trợ giao dịch quyền sử dụng đất. Thông qua sàn giao dịch quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường đất đai, giúp dễ dàng hơn trong kiểm soát giao dịch thị trường.
Nhờ đó, về lâu dài, sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ thiết lập một mặt bằng giá đất đai sát với thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, tạo bong bóng trên thị trường đất đai - ông Thanh phân tích.
“Quyền sử dụng đất có sự khác biệt so với cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thực tế nhiều nước đã có sàn giao dịch quyền sử dụng đất do các hiệp hội môi giới tổ chức nhưng sàn dưới sự quản lý tập trung của Nhà nước thì chưa có” - chuyên gia này dẫn chứng.
Dù việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ tạo lập cơ sở dữ liệu về thị trường đất đai nhưng vẫn cần có thời gian vì hàng hóa là quyền sử dụng đất sẽ có những đặc thù riêng. Bởi vậy, muốn có sàn giao dịch quyền sử dụng đất vẫn cần thời gian để “luật hóa” và thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch quyền sử dụng đất trên sàn.
Trên thực tế, trước đây, việc giao dịch bất động sản trên thị trường chủ yếu thông qua các công ty môi giới (sàn giao dịch tư nhân) nhưng nhiều quan điểm cho rằng những đơn vị này lại chính là tác nhân đẩy giá nhà. Các sàn môi giới hiện nay đa số cũng chỉ tập trung giới thiệu và bán một vài dự án, song thường không công khai đầy đủ thông tin, đặc biệt là pháp lý của bất động sản đó...
Vì thế, ngay cả Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi cũng đang dự kiến áp dụng trở lại điều kiện bán bất động sản hình thành trong tương lai bắt buộc phải qua sàn môi giới. Và nội dung này cũng đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang - Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, triển khai sàn giao dịch quyền sử dụng đất có thể giúp khai thác hết công năng, giá trị của tài sản là quyền sử dụng đất nhằm mang lại lợi ích cho các bên.
Cụ thể, khi có sàn giao dịch quyền sử dụng đất, thì các doanh nghiệp có quỹ đất cần giao dịch hoặc hợp tác sẽ dễ dàng tìm được đối tác phù hợp. Nhu cầu này lâu nay rất lớn nhưng đôi khi các bên lại không tìm được nhau. Nhiều doanh nghiệp muốn phát triển dự án nhưng rất khó tìm được đơn vị có quỹ đất phù hợp, nhất là quỹ đất nông nghiệp – ông Quang dẫn chứng.
Ngay cả với cá nhân cũng dễ dàng mua bán quyền sử dụng đất qua sàn, tránh được tình trạng khủng hoảng, sốt giá, ép giá… Trong khi đó, nhà nước cũng rất thuận lợi trong việc quản lý giao dịch bất động sản, tránh thất thoát tiền thuế, mất thời gian cho các thủ tục xác minh, định giá…
Sàn giao dịch quyền sử dụng đất giống như mô hình giao dịch hàng hóa hiện hành; trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý, còn Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương sẽ tham gia vận hành.
Đến thời điểm này, việc nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch quyền sử dụng đất mới là chủ trương và các bộ ngành liên quan đang nghiên cứu để thành lập nên vẫn còn rất nhiều thông tin mà các thành viên của thị trường này đang chờ đợi được làm rõ. Dù vậy thì đây vẫn động thái rất tích cực, đem lại tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản, được cả người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý đón nhận.