Theo đó, mục tiêu đề ra của giai đoạn 2020-2030 đạt: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đạt khoảng 7%/năm; GDP bình quân đạt 7.500 USD/người vào năm 2030; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt 30% GDP; tổng mức đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP, nợ công không quá 60% GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm... Đây là khát vọng rất lớn, hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập ở mức trung bình cao vào năm 2030.
Theo chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, quá trình soạn thảo dự thảo đã được tiến hành nghiêm túc, qua nhiều công đoạn và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế trong giai đoạn tới cũng như nhận được nhiều góp ý từ các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức liên quan. Vấn đề đặt ra là khơi thông các tiềm năng, phát huy tốt nguồn lực tổng hợp, tận dụng thời cơ, đúc rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại để nền kinh tế có thể đạt những mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, bà Stefanie Stallmeister, đại diện WB tại Việt Nam cho rằng, Dự thảo đã xác định những mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng về con đường phát triển trong giai đoạn 10 năm tới, với những nội dung phù hợp. Bên cạnh đó, cần tập trung, ưu tiên thỏa đáng cho hoạt động bảo vệ môi trường, sức chống chịu trước biến đổi khí hậu; sự tương tác, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, sự ổn định, an sinh xã hội. Ngoài ra, cần lưu ý thêm về vấn đề quản lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Theo TS. Bùi Tất Thắng, Việt Nam cần chủ động tạo tăng trưởng từ khoa học-công nghệ, dựa vào đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích, thúc đẩy kinh tế số. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu hướng thời đại cũng như xuất phát từ nhu cầu tự thân của nền kinh tế nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu tổng quát nói trên.
“Việc cải cách cũng cần tiếp tục, với sự quyết tâm cao để kết hợp phát triển kinh tế lồng ghép với mục tiêu tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững kết hợp với bảo vệ môi trường cũng như tăng cường khả năng thích ứng với thiên tai, dịch bệnh...”, TS. Bùi Tất Thắng nhấn mạnh.
Việc rút kinh nghiệm, xác định nguyên nhân, thực trạng và tìm cách khắc phục tồn tại, nhân lên những kết quả cũng được một số đại biểu nêu rõ tại hội thảo.
Đơn cử, việc thực hiện các đột phát chiến lược trong giai đoạn 2011-2020 đã thu được một số kết quả tích cực, thúc đẩy tăng trưởng, gồm cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ; trong đó, đã hoàn thành, đưa vào khai thác khoảng 6.000 km đường quốc lộ, 1.400 km đường cao tốc... cũng như xây dựng cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép-Thị Vải và chuẩn bị khởi công Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Một số công trình năng lượng công suất lớn, có tác dụng to lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã hoàn thành, như: dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân số 2 và 4; Vũng Áng 1, Mông Dương 1 và 2...
Ngược lại, một số hạn chế, yếu kém cũng đã được nhìn nhận thẳng thắn, đó là, mục tiêu tăng trưởng GDP chỉ đạt bình quân ở mức 5,9%/năm, tức thấp hơn hẳn so với mục tiêu đề ra trước đó là tăng từ 7-8%/năm. Nền tảng kinh tế vĩ mô, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện, chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa cho công cuộc cải cách chưa được tận dụng, phát huy như mong muốn; hiệu quả công tác điều hành có lúc chưa cao...