Do đó, Cục Chăn nuôi cần lắng nghe, ghi nhận và cân nhắc tiếp thu kỹ lưỡng mọi ý kiến góp ý để khi nghị định được ban hành. Luật Chăn nuôi có hiệu lực phải có hiệu quả, đi vào cuộc sống, thúc đẩy sản xuất, ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra phức tạp.
Luật Chăn nuôi đánh dấu một bước tiến mới tạo khung pháp lý cho ngành chăn nuôi. Luật có nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước và hội nhập quốc tế; quản lý chăn nuôi theo chuỗi từ con giống, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi đến thị trường; chú trọng đến vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Luật cũng xã hội hóa một số dịch vụ công, đa dạng cách thức thực hiện thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu cải cách của Chính phủ.
Dự thảo Nghị định Hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi; trong đó có quy định chi tiết 4/10 điều kiện sản xuất; việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; quy định trình tự kiểm tra nhà nước, việc miễn kiểm tra và giám sát lô hàng được miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu...
Dự thảo nghị định quy định về điều kiện chăn nuôi như quy mô, mật độ đối với các vùng sinh thái; việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận điều điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn; việc quản lý nuôi chim yến, nuôi hươu sao; danh mục động vật khác được phép chăn nuôi; nhập khẩu vật nuôi sống và sản phẩm chăn nuôi; sản phẩm xử lý chất thải…
Góp ý cho dự thảo, ông Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Gia súc lớn Việt Nam cho rằng, ban soạn thảo cần xem xét lại quy định về mật độ chăn nuôi. Ngoài căn cứ vào đất nông nghiệp cần xem xét thêm những yếu tố khác vì khu vực đồng bằng hiện dân cư đã đông nếu chăn nuôi với mật độ cao có thể không đảm bảo môi trường và con người. Về danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, giống quý hiếm phải bảo tồn và nghiêm cấm buôn bán, giết thịt... nhưng bên cạnh đó cần có quy định để phát triển những vật nuôi này.
Về quy định thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh, Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chưa nên quy định đến 31/12/2020 bỏ kháng sinh trong thức ăn giai đoạn con non với mục đích phòng bệnh, đặc biệt là với tình hình dịch bệnh như hiện nay. Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng thức ăn bổ sung nên để Cục Chăn nuôi quản lý, không nên giao cho địa phương, địa phương chỉ nên quản lý thức ăn hỗn hợp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý chi tiết về nhiều nội dung như mật độ chăn nuôi và quy mô; quy trình, thủ tục cấp phép chăn nuôi; quản lý chất thải chăn nuôi; cảng nhập khẩu vật nuôi; quy định về nuôi chim yến…
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Nghị định sẽ được ban hành trong tháng 10/2019 để đến 01/01/2020, Luật Chăn nuôi có hiệu lực đảm bảo Luật Chăn nuôi được triển khai đồng bộ ngay khi có hiệu lực thi hành.
Luật Chăn nuôi đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi có 8 chương, 31 điều kèm theo 7 phụ lục và 16 biểu mẫu quy định chi tiết các nội dung luật.