Do đó, để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng hợp tác xã phải tăng cường liên kết để phát huy sức mạnh tổng hợp cũng như nâng cao giá trị sản phẩm trong tiêu thụ và xuất khẩu.
Mắt xích rời rạc
Trong bối cảnh hội nhập và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường xuất khẩu, thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết dọc, liên kết ngang từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế - xã hội, môi trường.
Đơn cử như Hợp tác xã Tân Hiệp Phát, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đã chủ động liên kết với các hộ dân và nhiều hợp tác xã khác ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ… thực hiện mô hình trồng chuối xuất khẩu theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Đáng lưu ý, những mô hình liên kết ở các cấp độ vùng, miền khác nhau này không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã, giảm áp lực di dân về đô thị lớn tìm việc làm.
Ở mức độ lớn hơn, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị liên kết với hàng trăm hợp tác xã khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung sản xuất hàng chục nghìn ha lúa giống có chất lượng cao, cùng quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mô hình này đang cung cấp gạo ra thị trường thế giới ổn định về chủng loại và chất lượng, được nhiều nước đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mô hình liên kết vùng theo chuỗi giá trị hiện đại chưa nhiều cũng như chưa có sự kết nối, liên kết mạnh mẽ để phát triển sản xuất kinh doanh giữa hợp tác xã.
Bởi, nếu hợp tác xã thúc đẩy liên kết vùng sẽ tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong sản xuất, kinh doanh và quản lý mô hình hợp tác xã, quản lý chuỗi giá trị. Đặc biệt, qua đó sẽ góp phần đáng kể về thu hút tham gia hợp tác, hội nghị vùng, xúc tiến đầu tư, thương mại vùng… từ đó mở rộng đầu ra cho hợp tác xã.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì, Hà Nội cho biết, để tránh điệp khúc được mùa mất giá nhất là tại hợp tác xã, việc bắt tay với doanh nghiệp đưa hàng hoá vào siêu thị tiêu thụ là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, dù đã thực hiện nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến thu hoạch nhưng khi bắt mối đưa hàng vào siêu thị hợp tác xã vẫn nhận những cái lắc đầu từ chối và cho rằng nông sản khó bảo quản, chất lượng mặt hàng chưa đồng đều, tiêu chuẩn chưa tương xứng.
Một hạn chế nữa với hợp tác xã hiện nay là không có tài sản thế chấp dẫn đến việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Thế nhưng, cơ chế thanh toán các siêu thị đưa ra kéo dài đến 45 ngày khiến hợp tác xã loay hoay không đủ vốn quay vòng sản xuất.
Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sông Hồng, Hà Nội cũng chỉ ra, hợp tác xã rất muốn liên kết với doanh nghiệp nhưng khó khăn về giấy tờ, cách thức kết nối với doanh nghiệp đang khiến đầu ra nông sản, sản phẩm chế biến sâu chưa được rộng mở. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hợp tác xã bị gò bó trong sản xuất kinh doanh và chưa tạo được lòng tin với người tiêu dùng.
Tạo thế vững chãi
Nhìn nhận về vấn đề này, theo các chuyên gia, để đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác xã cần tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, giao thông kết nối thuận tiện giữa các tỉnh, thành phố để bổ trợ cho nhau. Điều này còn giúp hợp tác xã phát huy lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh.
Hơn nữa, sự hợp tác giữa hợp tác xã sẽ làm phong phú và đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra những sản phẩm đặc thù chất lượng cao, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và lợi thế phát triển hàng hóa.
Điển hình như mô hình Hợp tác xã Chuối Viba, tỉnh Hòa Bình với điểm nhấn là vùng nguyên liệu không chỉ được sản xuất ở Hòa Bình mà còn được mở rộng trồng và liên kết với người dân, hợp tác xã ở Chương Mỹ, Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu không chỉ giúp hợp tác xã dễ dàng trong việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm mà còn hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Để tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm -tỉnh Trà Vinh) cho rằng, doanh nghiệp, hợp tác xã cần cập nhật xu thế tiêu dùng mới, tiếp cận khách hàng tiềm năng. Cùng đó, sản phẩm phải mang tính đặc trưng và chất lượng bảo đảm. Nếu hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, chú trọng yếu tố tự nhiên và có giấy chứng nhận đầy đủ sẽ là điểm mạnh để thuyết phục thị trường khó tính.
Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường và công nghệ số cần xác định liên kết vùng là chìa khóa để hợp tác xã và doanh nghiệp phát triển với sản phẩm chủ lực. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong xây dựng thương hiệu phục vụ xuất khẩu.
Bàn về liên kết vùng để tạo sức mạnh tổng hợp, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, Việt Nam cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa và tổ hợp công nghiệp quy mô lớn.
Mặt khác, cơ cấu lại khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp, mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối chuỗi cung ứng trong nước.
Bà Trần Thị Hồng Minh cũng lưu ý việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn để sớm bắt nhịp phục hồi kinh tế và chuyển đổi xanh ở Việt Nam, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước cú sốc từ bên ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tới đây cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng.
Hơn nữa, để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và hợp tác xã phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp xung quanh vấn đề này và đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ ngành để đưa ra giải pháp thúc đẩy liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã.