Sáng 16/3, trong chương trình Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xung quanh vấn đề phát hiện những vướng mắc, chồng chéo trong thực thi chức năng nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường, nhất là về chỉ đạo, điều hành trong phối hợp liên ngành ở các địa phương, trong đề án được Chính phủ thông qua Nghị định 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, quản lý thị trường là một hoạt động diễn ra trong phạm vi của đất nước. Do vậy, lực lượng quản lý thị trường nếu như chỉ dừng lại cát cứ từng địa phương, chỉ trực thuộc Sở Công Thương thì cũng giống như hoạt động thanh tra của ngành công thương ở địa phương. Vì thế, để xử lý vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý phải liên thông phối hợp với nhau để xử lý tốt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, trong 3 năm qua chuyển từ Chi cục thành Cục, chuyển từ trực thuộc Sở Công Thương về trực thuộc Tổng cục (Bộ Công Thương) cũng mất quá nhiều thời gian trong việc đánh giá, sắp xếp quản lý. Không những thế, lực lượng đã phải gia tăng các hoạt động kiểm tra, kiểm soát xử lý.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường và cá nhân Bộ trưởng làm việc ở Tổng cục Quản lý thị trường 3 lần đưa ra cơ chế quản lý, giám sát rất chặt chẽ, quy định, quy tắc ứng xử, chế tài xử lý vi phạm, đặc biệt gắn trách nhiệm cho người đứng đầu và tập thể lãnh đạo.
“Bằng chứng đã xử lý hàng trăm cán bộ vi phạm, có cán bộ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật, có 6-7 cán bộ đứng đầu các Cục bị xử lý hoặc bị xử lý hành chính, hoặc xử lý hình sự, có 1 trường hợp đang xử lý về hình sự”. Bộ trưởng chia sẻ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra quy định để lực lượng quản lý thị trường thực hiện một cách nghiêm túc. Trong trường hợp giao trách nhiệm cho quản lý giám sát thị trường, chẳng hạn như hoạt động kinh doanh xăng dầu và mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng thiết bị y tế. Vì thế, nếu ở đâu xảy ra tiêu cực, nơi nào để xảy ra vi phạm mà người đứng đầu không xem xét, xử lý theo thẩm quyền 1 cách kịp thời sẽ bị xử lý.
Đề nghị đại biểu và cử tri, nhân dân giám sát, phát hiện những đơn vị nào xảy ra vi phạm nào mà người đứng đầu quản lý thị trường đó không thực thi được như cây xăng nào đóng cửa không lý do, găm hàng mà không bị lập biên bản, không bị xử lý, hoặc đề nghị xử lý theo quy định thì dứt khoát Bộ Công Thương sẽ xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Mặc dù quản lý theo mô hình ngành dọc hay địa phương, muốn hoạt động hiệu quả hay không trước hết phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương và phải được sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân.
Do đó, Bộ Công Thương đã chủ động yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phải tuân thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng địa phương và của nhân dân.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chấn chỉnh để làm sao sự phối hợp quản lý thị trường với các lực lượng chức năng địa phương tốt hơn, làm sao lực lượng được nhân dân giám sát, giúp đỡ nhiều hơn. Làm sao lực lượng này không chỉ tuân thủ chỉ đạo của Bộ, của Tổng cục mà phải tuân thủ cả sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương.
Liên quan tới giải pháp khả thi xử lý vi phạm, đảm bảo cân đối cung cầu cũng như bình ổn thị trường thiết bị y tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung lực lượng giám sát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công điện từ đầu tháng 3 về việc tăng cường giám sát thị trường, đẩy mạnh kiểm tra, thu giữ và xử phạt.
Kết quả cho thấy lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ 500 nghìn bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh trên các địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Bình, An Giang, Quảng Ninh, Huế...
Gần đây nhất là ngày 15/3, lực lượng đã thu giữ 60 nghìn bộ sinh phẩm xét nghiệm, 3.000 sản phẩm thuốc tân dược, hàng trăm ngàn sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá chục tỷ đồng. Đây là vi phạm lớn nhất trong thời gian từ đầu năm đến nay.
Để ổn định thị trường, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp lực lượng chức năng, ở địa phương phối hợp lực lượng 9 địa phương, ở Trung ương phối hợp 9 và Biên phòng, Hải quan, tiếp tục ngăn ngừa từ sớm các hàng hóa thiết bị y tế nhập lậu vào thị trường nội địa.
Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương, ưu tiên cao kiểm tra, giám sát và xử lý đối với các mặt hàng người dân đang có nhu cầu tăng cao.
Riêng với buôn lậu và hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, thực tế cho thấy tình hình buôn lậu ngày càng gia tăng do chính lợi nhuận mà hàng lậu mang lại.
Hơn nữa, do nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân ngày càng cao, nhưng nền sản xuất của nước ta còn mất cân đối, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, tâm lý sính hàng hóa ngoại, nhu cầu tiêu dùng của xã hội ngày càng có sự thay đổi, yêu cầu của người tiêu dùng tăng cả về số lượng và chất lượng cũng như hình thức, mẫu mã của sản phẩm hàng hóa.
Xuất phát từ nhu cầu đó, hàng hóa do nước ngoài sản xuất có xu hướng cạnh tranh và tìm cách xâm nhập vào thị trường nội địa bằng con đường buôn lậu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành thanh tra toàn diện, chuyên đề, mở các đợt tấn công triệt phá các đường dây, ổ nhóm vi phạm, kết quả, thu giữ, xử lý được khá lớn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình kiểm tra, giám sát, thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, siết chặt kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, nhất là đối với những cán bộ thị trường hoạt động trực tiếp tại các địa bàn.
Theo đó, kết quả sau 3 năm hoạt động theo mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng đã triệt phá được nhiều vụ việc lớn.
Thời gian tới, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường khẩn trương, nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là phát huy vai trò là lực lượng chủ công trong Ban chỉ đạo 9 quốc gia, các tỉnh thành phố, phối hợp với lực lượng Công an, biên phòng…, nâng cao hiệu quả phòng chống buôn lậu.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ xây dựng triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như phối hợp với Biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động buôn lậu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ chú trọng tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, làm tốt hơn việc phổ biến, mở rộng mặt trận để người dân tham gia giám sát, giúp đỡ lực lượng chức năng.