Ngành cà phê Việt Nam đang bước vào những ngày đầu tiên của niên vụ thu hoạch mới 2013-2014. Tuy nhiên, do xuất khẩu (XK) giảm sút, nhiều doanh nghiệp và người trồng cà phê đang lo lắng cho tương lai ảm đạm của ngành trong thời gian tới.
Đối mặt thua lỗ
Tại các tỉnh trọng điểm về thu mua, XK cà phê như Đắk Lắk, Đắk Nông…, hiện giá cà phê nhân xô tăng nhẹ, đạt mức 35.200 – 36.500 đồng/kg nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong vòng ba năm qua. “Thời điểm đầu tháng 10, giá cà phê nhân xô nội địa đã nhích dần lên nhờ giá cà phê trên sàn kỳ hạn robusta London bất ngờ đảo chiều tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn kém sôi động vì giá cà phê đang ở mức quá thấp so với mức kỳ vọng 40.000 đồng/kg của đại đa số người trồng, kinh doanh cà phê”, anh Nguyễn Trung Hậu, chủ một đại lý thu gom cà phê ở TP Buôn Mê Thuộc (Đắk Lắk) cho biết.
Xuất khẩu cà phê giảm sút sẽ ảnh hưởng tới đời sống của người trồng cà phê. Quang Quyết – TTXVN |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng XK cà phê 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt hơn 1 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2012. Do giá cả không được như ý, nhà nông đã chọn giải pháp tích trữ đợi giá cao. Việc này đã đẩy số lượng tồn kho cà phê lên mức cao kỷ lục. Theo đó, nhà nông đang giữ hơn 120.000 tấn cà phê từ vụ thu hoạch năm 2012-2013, cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ và là con số cao nhất kể từ năm 2009 đến nay. Ước tính niên vụ 2013-2014, sản lượng cà phê thu hoạch của cả nước sẽ đạt ngưỡng hơn 1,7 triệu tấn, cao hơn 13% so với vụ trước. Thực tế này sẽ làm gia tăng áp lực tiêu thụ cà phê trên thị trường.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam lý giải, nguyên nhân XK cà phê giảm sút là do ngành vẫn chưa thực hiện triệt để tái canh cây cà phê, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng và hạn chế của doanh nghiệp khi phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay và thiếu kỹ năng tham gia thị trường cà phê kỳ hạn.
Chi phí đầu vào liên tục tăng đã tạo cho nhà nông áp lực tăng giá bán. “Mặt hàng cà phê chịu tác động rất lớn của thị trường quốc tế. Thời gian qua, giá cả mặt hàng này trên thị trường thế giới lại rất bất thường với biên độ điều chỉnh lớn. Doanh nghiệp cà phê nước ta thường thực hiện giao dịch trước vài tháng đến cả năm mà lại không chủ động được nguồn hàng nên rất dễ gặp rủi ro khi giá biến động”, ông Nam phân tích.
Nguy cơ “đóng băng” xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Minh Bạn, Giám đốc Công ty Minh Huy (Đồng Nai), từ tháng 6/2013 đến nay, công ty đã ngưng XK cà phê dù đối tác vẫn đặt hàng và đơn vị không thiếu nguồn cung. Tương tự, Công ty Haprosimex (TP Hồ Chí Minh) cũng đã quyết định ngưng XK cà phê dù nguồn tài chính của doanh nghiệp dồi dào và lượng đặt hàng không nhỏ. Riêng Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Packsimex (TP Hồ Chí Minh) cũng đang tính đến chuyện ngừng XK cà phê, giảm nhân sự, chuyển sang kinh doanh các mặt hàng nông sản khác…
Nguyên nhân là do, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, lợi dụng chính sách được nộp thuế chậm 6 tháng, rất nhiều doanh nghiệp thu mua đang chiếm dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ doanh nghiệp XK rồi sau đó bỏ trốn hoặc giải thể. “Hiện phổ biến tình trạng các đại lý, doanh nghiệp trực tiếp thu mua cà phê nguyên liệu, sau đó bán lại cho doanh nghiệp XK và chúng tôi sẽ xuất hóa đơn GTGT cho họ. Đúng ra, họ phải nộp thuế GTGT cho cơ quan thuế để cơ quan thuế hoàn thuế GTGT lại cho chúng tôi nhưng họ lại chiếm dụng. Do không tìm được những cơ sở trực tiếp thu mua cà phê để thu nên ngành thuế quay ra yêu cầu chúng tôi phải nộp thuế GTGT thì mới giải quyết thủ tục liên quan. Và như vậy, chúng tôi không những không được hoàn thuế mà còn phải nộp thuế GTGT đến hai lần”, ông Bạn bức xúc.
Trong khi XK cà phê của các doanh nghiệp trong nước đang sụt giảm, thì các “đối thủ” của các doanh nghiệp XK cà phê Việt Nam lại đang có những bước tiến triển “trong mơ”. Cụ thể, Brazil đã quyết định tăng XK cà phê trong năm nay thêm 400.000 tấn cà phê, Indonesia cũng tăng thêm 100.000 tấn… “Theo tôi, trước mắt, Bộ Tài chính cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp XK về thuế GTGT bằng cách tạm thời không hoàn thuế 1 năm (nhà nước giữ lại thuế này), thời gian áp dụng từ tháng 11/2013 đến tháng 11/2014 để DN XK mạnh dạn hoạt động trở lại. Sau đó, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xem xét để có biện pháp giải quyết triệt để, chấm dứt tình trạng chiếm đoạt thuế GTGT. Song song đó, ngành chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh lại tình trạng loạn thu mua nguyên liệu cà phê như thời gian vừa qua…”, ông Nam cho biết thêm.
Lê Nghĩa