Chỉ số sản xuất công nghiệp thường phải tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết: “Trong quý I/2012 chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng tương đương với tốc độc tăng GDP. Điều này cho thấy, sản xuất công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn”.
Sản xuất công nghiệp tăng thấp, hàng tồn kho tăng cao
Ba tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,1%, đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ (năm 2011 so với năm 2010 tăng 9,6%). Trong đó: Ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 3,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2% và sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 13,7%.
Vận chuyển xi măng tiêu thụ tại Cảng Hà Nội. Ảnh (tư liệu). Tuấn Anh - TTXVN |
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn nhất. Theo đó, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành này chỉ tăng 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính thì có đến 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm như: Xi măng, sắt thép, sản xuất sợi và dệt vải, sản xuất giày dép, sản xuất giấy nhăn, bao bì, bột giấy, giấy, bìa, sản xuất phân bón và hợp chất nitơ, sản xuất các sản phẩm khác từ nhựa, sản xuất xe có động cơ, bàn ghế, giường tủ, sản xuất đồ uống không cồn, sản xuất cáp điện và dây điện, sản xuất các thiết bị gia đình...
Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp là do tiêu thụ sụt giảm và lượng tồn kho của nhiều sản phẩm tăng cao. Mức tồn kho của ngành hàng công nghiệp tăng lên mức gần 35% được đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) lý giải là do quý I có thời gian nghỉ Tết dài, nhu cầu tiêu thụ hàng công nghiệp chế biến trong nước giảm; tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm do ảnh hưởng của thị trường bất động sản trầm lắng; thị trường thế giới gặp khó khăn... Trong khi đó, giá nguyên vật liệu cao, lãi suất cao và khó khăn trong tiếp cận vốn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, Bộ Công Thương đã lường trước được điều này và chủ động đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng là phải có giải pháp để làm lành mạnh thị trường ngân hàng, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.
Siết chặt quản lý thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 là tháng thứ 7 liên tiếp giảm làm cho CPI bình quân quý I giảm thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền, tháng 4, nếu không có yếu tố đột biến về cung cầu và thị trường thì CPI cũng chỉ tăng nhẹ. Có những yếu tố tích cực tác động làm giảm CPI, đó là, giá gas sau khi tăng cao có thể giảm sâu, giá thực phẩm sẽ tiếp tục xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào... Nhưng cũng cần đề phòng những yếu tố tác động tiêu cực như: Giá một số mặt hàng nhập khẩu từ thị trường thế giới được dự báo sẽ tăng cao và giá xăng dầu tăng vừa qua sẽ tác động vào giá bán một số mặt hàng, giá lương thực có xu hướng tăng lên sau khi Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo...
Sau khi có thông tin về việc xuất hiện “gạo giả” tại thị trường Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trương Quang Hoài Nam cho biết, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã cử cán bộ xuống địa bàn để xác minh tình hình. Vừa qua, Cục Quản lý thị trường cũng đã vào cuộc để điều tra vụ xăng dầu kém chất lượng ở Bắc Giang... Bước đầu, các cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng doanh nghiệp bán xăng dầu kém chất lượng và vi phạm quy định của Nghị định 84/NQ - CP về việc mỗi đại lý chỉ được bán xăng dầu của một doanh nghiệp đầu mối. “Hiện nay, xăng dầu và gas là hai mặt hàng được tập trung kiểm tra, kiểm soát về cả chất lượng và giá bán nên các lực lượng chức năng cũng sẽ kiểm tra về hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nếu các công ty kinh doanh đã giảm giá gas nhưng các đại lý chưa giảm giá ngay, gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì cũng sẽ bị xử lý”, ông Nam khẳng định.
Thu Hường