“Loạn” bán mía tại Gia Lai

Mặc dù vụ mía đã bước vào cuối vụ nhưng người trồng mía ở Gia Lai vẫn đứng ngồi không yên. Thời tiết khô hạn. Hàng trăm ha mía đã cháy. Các nhà máy tại địa phương không thể tiêu thụ kịp.

 

Sân chơi của những… “đế vương”


Những ngày này, tại nhà máy đường An Khê - nơi có vùng nguyên liệu khoảng 22.000 ha tấp nập cảnh mua, bán mía. Nhộn nhịp là vậy nhưng thực tế thì đó cũng chỉ là bề nổi, còn lại trên cánh đồng người dân vẫn phải “ngậm đắng” ở mùa mía này.


 

Vận chuyển mía ở An Khê.

 

“Đây là cuộc chơi của những “đế vương” em ạ”, là lời ví von chua chát của chị K - một đại lý thu mua mía ở Đắk Pơ khi nói về cảnh nhộn nhịp ở nhà máy đường An Khê. Theo chị thì xe nhập mía phải “chính chủ”- có phiếu, có lôgô của nhà máy mới được vào. Mỗi phiếu tương đương với 1 xe mía nhưng phiếu này thì không phải ai cũng có khiến người dân bức xúc. “Năm nay thời tiết khắc nghiệt nên phải ưu tiên phân bổ kế hoạch cho những vùng sâu, vùng xa như Đắk Pơ, Kbang, Kông chro. Đối với mía lá còn xanh thì động viên chủ hộ chờ đợi. Những hộ có nhiều phiếu là do đăng ký nhiều, nhận nhiều đầu tư của nhà máy”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Trưởng phòng nguyên liệu Nhà máy đường An Khê cho biết. Nói là như vậy nhưng theo nhiều hộ dân, khoảng cách để được cấp phiếu đầu đến phiếu sau có khi cả tuần, trong khi các đại lý quen thuộc hay còn gọi là “đế vương” thì phiếu nhận hàng ngày. “Mía khô, lửa rình, công khó, ai mà chờ được”, một người dân than thở.


Hàng loạt cánh đồng mía ở Kbang, An Khê, Ayunpa, Đắk Pơ (tỉnh Gia Lai) đã bước vào cuối vụ. Mía đã khô, cờ đã trổ nhưng phiếu đốn từ các nhà máy đường vẫn chưa thấy. Theo những người trồng mía thì thời tiết nắng hạn gay gắt trong 5 tháng qua khiến mía khô, cháy. Nếu đốn muộn thì chất lượng gốc lưu sẽ ảnh hưởng đến năng suất cho vụ sau.

 

Lợi nhuận chảy vào... vùng trũng


“Chưa năm nào “đế vương” sướng như năm nay” chị K khẳng định. Theo tính toán của chị, bình quân mỗi xe mía chở từ Đắk Pơ về An Khê có lợi nhuận không dưới 5 triệu đồng. Cụ thể 1 xe mía chở khoảng 30 tấn thì tiền vận chuyển khoảng 6 triệu đồng. Sau khi trừ tiền làm “luật”, tiền xăng, dầu, tiền tài xế… vẫn còn không dưới 4 triệu đồng. Ngoài ra, các đại lý thu mua lớn họ còn kiếm mỗi xe ít nhất phải 1,5 triệu đồng từ tiền ăn chênh lệch giữa giá mua của dân và bán nhà máy. Cụ thể mỗi tấn họ chỉ cần cắt 0,5 giá thì một xe 30 tấn họ kiếm được 1,5 triệu đồng. Đó là chưa kể có người còn cắt cả 1 giá.


Theo thông báo của nhà máy đường thì bình quân mỗi tấn nhà máy thu mua khoảng 1 triệu đồng nhưng thực tế thì người dân chỉ bán cùng lắm là 600.000 đồng. Anh D, một đại lý dạng cò con ở xã Hà Tam, huyện Đắk Pơ cho biết, họ chỉ mua mỗi tấn của dân với giá đó. Vì còn tiền thuê công chặt đốn, vận chuyển, chung chi…

Theo anh D thì hiện tại còn rất nhiều hộ dân có mía đã khô nhưng không bán được nên đành chịu. Đại lý chở thẳng vào nhà máy bán, sau đó trừ nửa giá hoặc một giá của dân. Còn dân thì không có phiếu mà nhập nên phải bán lại cho đại lý với giá trên. Khó bán là vậy nên nhiều người dân phải chở mía lên Kon Tum để bán. Giá mua ở Kon Tum khoảng 1.150.000 đồng/tấn nhưng trừ chi phí vận chuyển thì vẫn thấp hơn so với bán ở nhà máy An Khê. Nhưng nếu dân không thu hoạch thì năm sau sẽ thất thu nặng vì hư gốc lưu.


Ưu tiên tiêu thụ nội tỉnh?


Trước khó khăn trong việc xuất mía, nhiều ngày qua, người dân đã buộc chấp nhận lỗ để bán mía ra ngoài vùng. Với họ đây là cứu cánh duy nhất để chống thất thu không chỉ trong năm này. Tuy nhiên việc bán mía của người dân cũng tựa như bán gỗ lậu.


Đầu tháng 3 vừa qua, tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và cảnh sát cơ động. Đây cũng là thời điểm “nóng” nhất của vụ mía nơi đây. Đoàn liên ngành được thành lập trong 1 tháng nhằm kiểm soát việc lưu thông hàng hóa, nhất là với các xe chở quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.


Tại điểm tuần tra của đội liên ngành này những ngày qua có hàng loạt xe mía bị chặn và thu hồi giấy phép lái xe vì chở quá khổ khi lên Kon Tum. Tuy nhiên, theo phản ánh của các tài xế thì các lực lượng này yêu cầu chở mía về Gia Lai. Nếu qua sẽ bị phạt, hạ tải. “Chúng tôi chở từ An Khê, Đắk Pơ, qua hàng loạt trạm tuần tra, kiểm soát từ tỉnh đến huyện, thị xã có ai bắt đâu, sao cứ lên tới giáp ranh lại bị tuýt còi. Nếu không cho chở thì chặn ngay từ đầu để bọn tôi đỡ khổ, lên tới đây rồi thì bắt ai mà chịu được” một tài xế than thở. Thực tế là phần lớn các xe chở mía đều phải quá khổ, quá tải không dưới 10 tấn mía/xe.


Nhưng tại thị xã An Khê, đường vào Nhà máy đường An Khê mỗi ngày có không dưới 300 lượt xe chở mía quá khổ, quá tải, ngang nhiên lưu hành bất kể ngày, đêm.


Bài và ảnh: Cao Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN