Trong giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng khoản tiền nhàn rỗi để mang đi đầu tư cổ phiếu và ghi nhận lợi nhuận tài chính khá tích cực. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, bối cảnh thị trường tài chính có nhiều rủi ro, các doanh nghiệp "tay ngang" không am hiểu thị trường có thể phải nhận "trái đắng" từ kênh đầu tư này.
Lợi nhuận doanh nghiệp "bốc hơi" hàng trăm tỷ đồng
Công ty cổ phần Licogi 14 (mã: L14) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với doanh thu thuần đạt gần 88 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ 2021. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại lỗ tới hơn 346 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 23 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động tài chính của Licogi 14 bị thua lỗ nặng nề trong khoảng thời gian này. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động tài chính của Licogi 14 chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính nhảy vọt lên hơn 402 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận dự phòng giảm giá các khoản đầu tư lên tới gần 0 tỷ đồng.
Trong phần thuyết minh, công ty không nêu rõ danh mục cổ phiếu đang nắm giữ, tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021 cho thấy, Licogi 14 tạm ghi lãi 239 tỷ đồng do nắm giữ cổ phiếu CEO và 91 tỷ đồng với DIG thời điểm 31/12/2021.
Hoạt động đầu tư trên được thực hiện thông qua công ty con – Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14. Nếu vẫn nắm giữ cả 2 cổ phiếu này, khoản đầu tư trên đảo chiều lỗ cũng không có gì lạ khi quý II/2022, thị giá cổ phiếu cả DIG và CEO đã giảm tới 60%.
Ngoài Licogi 14, Công ty cổ phần Nhà Đà Nẵng (mã: NDN) cũng là một doanh nghiệp bất động sản có chung hoàn cảnh lỗ nặng do đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý II/2022 ghi nhận lỗ hơn 114 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 85 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên công ty này ghi nhận thua lỗ trong kỳ báo cáo kể từ khi niêm yết năm 2011 đến nay.
Theo giải trình của lãnh đạo công ty, lợi nhuận quý II của NDN giảm so với cùng kỳ là do thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực nên hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả. Doanh thu tài chính của NDN trong kỳ chỉ ghi nhận chưa tới 10 tỷ đồng, giảm hơn 81% so với cùng kỳ. Trong khi đó, công ty phải trích lập dự phòng 90,5 tỷ đồng cho danh mục đầu tư chứng khoán khiến chi phí tài chính tăng lên đột biến.
Tính đến cuối tháng 6/2022, danh mục đầu tư có khoản 124,1 tỷ đồng rót vào cổ phiếu SHB và công ty phải trích lập dự phòng 46,4 tỷ đồng; 88,8 tỷ đồng đổ vào cổ phiếu VHM và dự phòng 17,8 tỷ đồng; khoản 59,2 tỷ đồng mua cổ phiếu TCB và dự phòng 18,3 tỷ đồng...
Ở khối doanh nghiệp sản xuất, Công ty cổ phần Hóa An (mã: DHA) – một doanh nghiệp chuyên sản xuất đá, vật liệu xây dựng đang là cái tên gây nhiều bất ngờ trong mùa công bố báo cáo tài chính bán niên. Dù doanh thu sụt giảm không đáng kể chưa tới 0,2% so với cùng kỳ, song Hóa An lại thổi bay toàn bộ lợi nhuận, giảm tới trên 92%, chỉ đạt hơn 1,7 tỷ đồng, do lỡ ôm "idol" HPG – cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát.
Trong kỳ, Hóa An phải trích lập dự phòng hơn 20 tỷ đồng do khoản đầu tư hơn 2,5 triệu cổ phiếu HPG, cao hơn nhiều so với mức 300.000 cổ phiếu hồi đầu năm. Thực tế, cùng với đà suy giảm của thị trường, thị cổ phiếu HPG đã giảm gần 35% trong quý II, cao hơn nhiều so với mức giảm của VN-Index.
"Nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn (mã: VHC) cũng gây ngạc nhiên không kém do phải ôm khoản lỗ đầu tư chứng khoán, khi doanh nghiệp phải trích lập dự phòng tới gần 63 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý II/2022 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho thấy, tính đến cuối tháng 6, công ty này đầu tư chứng khoán tới gần 200 tỷ đồng. Cụ thể, Vĩnh Hoàn đã rót 40 tỷ đồng mua mới cổ phiếu KBC của Công ty cổ phần Đô thị Kinh Bắc và tạm lỗ 17,7 tỷ đồng.
Vĩnh Hoàn cũng tăng mạnh khoản đầu tư vào cổ phiếu NLG của Nam Long từ 24 tỷ đồng lên 69 tỷ đồng, tạm lỗ gần 24 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục duy trì khoản đầu tư 53,2 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services và cũng tạm lỗ 35,5 tỷ đồng.
Tuy vậy, nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ, lợi nhuận quý II của Vĩnh Hoàn đã tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt trên 784 tỷ đồng.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng thua lỗ
Thực tế, việc các doanh nghiệp bị thua lỗ do đầu tư chứng khoán không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ số VN-Index liên tục giảm sốc kể từ đầu tháng 4 đến nay. Tính chung 6 tháng đầu năm, VN-Index đã giảm hơn 20% so với hồi đầu năm. Vốn hóa toàn thị trường giảm 1,22 triệu tỉ đồng, riêng sàn HOSE bốc hơi khoảng 1,08 triệu tỉ đồng. Thanh khoản thị trường bình quân mỗi phiên cũng ghi nhận trong tháng 6/2022 chỉ đạt 13.182 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây và giảm 57% so với đỉnh ghi nhận tháng 11/2022.
Việc điều chỉnh mạnh của thị trường thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư "tay ngang", mà những nhà đầu tư chuyên nghiệp là công ty chứng khoán, hay quỹ đầu tư cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Báo cáo tài chính riêng mới công bố của một số công ty chứng khoán trong quý II cho thấy, do sự suy giảm của thị trường chứng khoán, hoạt động tự doanh của nhiều công ty chứng khoán ghi nhận các khoản chênh lệch giảm do đánh giá lại các khoản đầu tư. Doanh thu hoạt động giảm, trong khi chi phí hoạt động tăng.
Kết quả, doanh nghiệp tác động nhẹ thì bị "kéo" lợi nhuận xuống thấp hơn so với kỳ vọng, như Công ty cổ phần Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSC) lợi nhuận sau thuế giảm 7% trong 6 tháng đầu năm; Chứng khoán Bảo Việt giảm gần 57%...
Thậm chí, một số công ty chứng khoán lại báo lỗ trong quý II, như: Chứng khoán Bảo Minh lỗ 165 tỷ đồng; Chứng khoán Rồng Việt lỗ 136 tỷ đồng; Chứng khoán APG lỗ 106 tỷ đồng; Chứng khoán Thiên Việt lỗ gần 57 tỷ đồng…
Hiệu suất hoạt động của các quỹ đầu tư cũng ghi nhận sự sụt giảm theo thị trường. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6, hai quỹ do Dragon Capital quản lý là Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng động DC (DCDS) và Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu DC (DCBC) có hiệu suất hoạt động kém hơn thị trường, khi âm lần lượt 22,9% và 22%.
Một số quỹ khác có hiệu suất khả quan hơn thị trường song cũng ghi nhận giảm đáng kể, như quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) của VinaCapital giảm 6,8%; Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam (TBLF) của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI cũng ghi nhận mức sụt giảm 13,33%...
Mặc dù có hiệu suất âm nhưng về dài hạn, hầu hết các quỹ đầu tư vẫn đánh giá triển vọng tốt cho chứng khoán Việt Nam. Theo giới phân tích, trong khi lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ, kỳ vọng tăng trưởng GDP và EPS tương đối cao giúp thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tương đối cao và P/E tương đối thấp…