Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Trà Vinh cho biết, vụ lúa hè thu năm nay, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành nghiên cứu xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Tham gia mô hình này có 190 hộ nông dân của 18 xã thuộc 5 huyện trọng điểm lúa của tỉnh gồm: Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú và Châu Thành thực hiện trên diện tích 190 ha bằng các giống lúa mới cấp nguyên chủng và cấp xác nhận: OM 6162, OM 4900 và OM 6976.
Các hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ lúa giống và được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn thực hành sản xuất theo quy trình như trước khi gieo sạ, đất phải được cày ải, vệ sinh đồng ruộng, xuống giống đồng loạt theo phương pháp sạ hàng, canh tác theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, ghi chép sổ tay (theo mẫu) trong quá trình sản xuất lúa…
Tuy nhiên, khi đến kỳ thu hoạch, các hộ nông dân tham gia mô hình chưa thật sự hài lòng, bởi vì sản phẩm họ làm ra là lúa hàng hoá chất lượng cao nhưng vẫn phải bán theo giá lúa loại thường. Nguyên nhân chính được cho là do Công ty lương thực Trà Vinh - đơn vị đứng ra ký bản hợp đồng ghi nhớ với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cam kết mua hết lúa hàng hoá chất lượng cao, không tổ chức mua lúa trực tiếp, buộc nông dân phải bán cho thương lái theo giá như các loại lúa hàng hoá khác.
Theo kế hoạch của tỉnh Trà Vinh, giai đoạn từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh đã quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích khoảng 50.000 héc ta. Mục tiêu của việc quy hoạch này là xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu; đồng thời tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung, với khối lượng lớn nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa hàng hoá. Tuy vậy, nếu tình hình tiêu thụ lúa hàng hoá chất lượng cao còn nhiều bất cập như hiện nay, Trà Vinh khó hoàn thành mục tiêu đã đề ra./.
Huy Hoàng