Đầu tháng 3 vừa qua, do nguồn nước sông Lam xuống thấp, gây hạn hán, thiếu nước cho khoảng 1.100 ha lúa ở tỉnh Nghệ An. Hồ thủy điện Bản Vẽ phải tăng xả để bổ sung dòng chảy bảo đảm phục vụ vận hành công trình thủy lợi, các diện tích thiếu nước đã được ứng cứu kịp thời, không bị thiệt hại.
Dự báo, vụ Hè Thu, Mùa 2023, khu vực Bắc Trung Bộ sẽ cơ bản được các hồ chứa đáp ứng được nhu cầu dùng nước. Tuy nhiên, thời điểm cao điểm mùa khô, nếu nắng nóng kéo dài một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phải triển khai các giải pháp ứng phó cho khoảng 7.500 - 10.000 ha canh tác (Thanh Hóa từ 2.000 - 3.000 ha, Nghệ An từ 4.000 - 5.000 ha, Hà Tĩnh 300 ha; Quảng Bình từ 100 - 600 ha; Quảng Trị 1.000 ha; Thừa Thiên - Huế 100 ha).
Vụ Hè Thu ở khu vực Nam Trung Bộ có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn vào giai đoạn tháng 7, tháng 8/2023 với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 3.000 - 3.500 ha tại các tỉnh Quảng Nam (2.500 ha), Phú Yên (500 - 800 ha) và Ninh Thuận (100 - 200 ha).
Dung tích hữu ích các hồ chứa thủy điện bổ sung nước cho hạ du trong khu vực Nam Trung Bộ hiện đạt từ 30 - 89% dung tích thiết kế, cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 3%. Với tình hình này, nguồn nước bảo đảm tiếp tục cung cấp đủ cho sản xuất vụ Đông Xuân.
Khu vực Tây Nguyên hiện dung tích trữ hiện tại các hồ thủy lợi đạt từ 43 - 62% dung tích thiết kế, tương đương cùng kỳ trung bình nhiều năm. Các hồ chứa thủy điện đạt khoảng 48% dung tích thiết kế, thấp hơn so với trung bình nhiều năm 11%. Nguồn nước bảo đảm tiếp tục cung cấp đủ cho sản xuất vụ Đông Xuân.
Tuy nhiên, với vụ Mùa 2023, nếu trường hợp mùa mưa đến muộn, Tây Nguyên có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cho khoảng 1.000 ha vùng ngoài công trình thủy lợi cấp nước tưới.
Bên cạnh việc theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn; thông tin dự báo nguồn nước, Cục Thủy lợi cho rằng, các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp.
Ở những vùng đủ nước cần đẩy sớm lịch sản xuất để tận dụng nguồn nước, vùng không đảm bảo nguồn nước cần xem xét giảm diện tích, giãn thời điểm xuống giống để chờ mưa hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Các địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, tổ chức vận hành, giám sát việc vận hành việc điều tiết nước của các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện để đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Cùng với đó, tăng cường áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho lúa, cây trồng cạn. Phân phối nguồn nước trong công trình thủy lợi hợp lý, khi xảy ra thiếu nước, phải ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm...