Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần phải siết chặt quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch vấn đề thu phí hoàn vốn, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp cùng giám sát.
Suất đầu tư cao do lãi ngân hàng
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần TASCO cho rằng, việc trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án BOT giao thông đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, lãi suất ngân hàng thấp, nhưng khó cho vay, các nhà đầu tư bỏ vốn vào hạ tầng giao thông là hướng đi tích cực để tạo công ăn việc làm, còn Nhà nước và Bộ GTVT sở hữu được tài sản BOT, rẻ hơn cả các dự án ODA, bởi đầu tư bằng ODA phải đi vay nước ngoài, dẫn tới tổng mức đầu tư của các dự án thường gấp 1,5 - 2 lần so với giá trị thực tế công trình.
Theo ông Phạm Quang Dũng, giá thành xây dựng các dự án BOT giao thông đang thấp hơn khung tiêu chuẩn. Các dự án BOT sau khi tách riêng chi phí lãi vay sẽ có tổng mức đầu tư và suất vốn đầu tư tương tự như các dự án sử dụng vốn Nhà nước. Đơn cử, đối với đoạn đường quy mô mặt cắt ngang trung bình 20,5 m, giá thi công BOT khoảng từ 26,63 - 33,50 tỷ đồng/km, tại các dự án vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 29,78 - 37,67 tỷ đồng/km. Trong khi, theo khung sử dụng vốn ngân sách tại Quyết định 439/QĐ-BXD ngày 26/4/2013 của Bộ Xây dựng về việc công bố Tập suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2012 thì giá xây dựng trung bình khoảng 37,02 tỷ đồng/km.
Mức thu phí đối với nhóm phương tiện 4, 5 sẽ được điều chỉnh giảm. |
Dư luận đang đặt vấn đề nhà đầu tư BOT chưa minh bạch, nhưng thực tế trong hợp đồng BOT quy định rất rõ lợi nhuận của nhà đầu tư chỉ được hưởng từ 11 - 12%/năm đối với phần vốn chủ sở hữu. “Phần lợi nhuận này, doanh nghiệp còn phải nộp thuế thu nhập 22%. Như vậy, lợi nhuận đưa về đến doanh nghiệp chỉ còn 8,5 - 9%, trong khi nhà đầu tư phải huy động vốn trên thị trường và cam kết với cổ đông trả cổ tức từ 12 - 15% họ mới góp vốn…”, ông Dũng nói.
Nhiều chủ đầu tư BOT cao tốc, cầu cũng chia sẻ, có ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư một số dự án tăng vốn so với thiết kế ban đầu nhằm kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn sau này là không chính xác, bởi thời gian thu phí hoàn vốn công trình được xác định bằng chi phí thực tế xây dựng dự án, không phải tổng mức đầu tư.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, về minh bạch đầu tư BOT, có thể thấy suất đầu tư BOT tương tự suất đầu tư dự án Nhà nước, từ thiết kế, lập dự toán đều được các cơ quan thẩm định, phê duyệt. Nhà đầu tư chỉ việc thực hiện, nên không có chuyện đội vốn. Còn vì sao suất đầu tư BOT thường cao hơn từ 80 - 90% vốn các dự án ngân sách là do các dự án BOT phải sử dụng vốn vay tín dụng, nên chi phí lãi suất ngân hàng lớn. Phương thức đầu tư, xây dựng đều như nhau. Việc lựa chọn nhà đầu tư đều rất minh bạch, tự nguyện.
Thực tế, 5 năm qua, Bộ GTVT đã huy động được gần 200.000 tỷ đồng vốn xã hội hóa để thực hiện các dự án BOT, chiếm khoảng 40% trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô, giảm nợ công, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bảo đảm quyền lựa chọn của người dân
Theo chiến lược phát triển GTVT 5 năm tới, vốn hạ tầng do Bộ GTVT quản lý có nhu cầu đến năm 2020 vào khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách chỉ cân đối được khoảng 11%. Vì vậy, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng nói chung và thực hiện các dự án BOT giao thông nói riêng là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, chiến lược cũng nêu rõ những hạn chế của hình thức đầu tư BOT thời gian qua như: Mất cân đối trong thu hút vốn đầu tư, tập trung chủ yếu vào đường bộ, một số dự án nâng cấp, mở rộng mặt đường đã đẩy người dân vào tình huống không có đường miễn phí song hành để lựa chọn… Bên cạnh đó, một số trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách 70 km, chất lượng một số dự án chưa tốt... Vì vậy, vấn đề minh bạch từ thiết kế, thi công đến nghiệm thu, thu phí hoàn vốn dự án là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với nhà đầu tư và dư luận.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhiều lần khẳng định, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương, các dự án đầu tư theo hình thức BOT thời gian tới phải đáp ứng ba nguyên tắc: Dự án phải là tuyến đường mới, phải đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân và dự án nào thì lên phương án tài chính cho dự án đó. Không thể có chuyện đường làm chỗ này, thu phí chỗ khác. Bộ GTVT không buông lỏng các dự án BOT giao thông, mà tới đây còn tiếp tục siết chặt hơn công tác quản lý, để phát huy hình thức đầu tư này. Bên cạnh đó, việc quản chặt các dự án BOT cần đảm bảo sự hợp lý và hài hòa quyền lợi của Nhà nước - nhà đầu tư - người dân, nếu không việc thực hiện các mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông thời gian tới khó có thể đạt được.
Tới đây, Bộ GTVT sẽ triển khai rộng rãi thu phí không dừng, khi đó không có sự can thiệp của con người, nên không thể thất thoát tiền phí. Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng Trung tâm kết nối dữ liệu các trạm thu phí BOT để giám sát chặt chẽ việc này. Dự kiến cuối năm nay sẽ triển khai xong các trung tâm này để kiểm soát và công khai, minh bạch thông tin tại các trạm thu phí BOT về quy mô, phương án tài chính, thời gian hoàn vốn và xây dựng các bộ dữ liệu để các cơ quan giám sát, thanh tra.