Tham dự chương trình tọa đàm “Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” được truyền hình trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua (20/12), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo đã trả lời nhiều câu hỏi của nhân dân về việc điều hành thị trường xăng dầu (XD).
Bạn đọc đặt nhiều câu hỏi về cách điều hành thị trường xăng dầu. |
Mục tiêu vận hành thị trường XD theo cơ chế thị trường đã được đặt ra nhưng diễn biến kinh tế thời gian qua lại có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, trong suốt thời gian qua, trong việc điều hành thị trường XD, Nhà nước luôn ưu tiên quyền lợi của người dân.
Quyền lợi của người dân luôn được ưu tiên
Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã được thực thi trong 3 năm qua, hướng tới mục tiêu quan trọng là vận hành thị trường xăng dầu (XD) theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, do những khó khăn của tình hình kinh tế đất nước và thế giới nên nhiều quy định của Nghị định 84 như điều hành giá theo giá thị trường, DN được tự định giá... vẫn chưa được thực hiện.
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho hay: Nghị định 84 chỉ là một bước tiến, chỉ cho doanh nghiệp (DN) tự định giá trong phạm vi 7%. Việc tiến tới thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường phụ thuộc vào tình hình kinh tế đất nước, trình độ của DN... Thực tế thời gian qua cho thấy, mục tiêu vận hành thị trường XD theo cơ chế thị trường lại được đặt ra vào thời điểm kinh tế có nhiều khó khăn và thực tế này có thể sẽ còn kéo dài. Vì thế, chúng ta chưa thể vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ ngay mà trong phạm vi có thể, sẽ tiến dần ngày càng gần tới cơ chế thị trường.
Tuy việc vận hành thị trường XD có nhiều khó khăn như vậy, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Chính phủ chỉ đạo trong 3 lợi ích của Nhà nước, DN và người dân thì ưu tiên trước hết người dân, thứ hai là DN, thứ ba là nhà nước. Lợi ích người dân thể hiện rất rõ qua việc điều hành giá. Theo đó, chúng ta luôn bình ổn giá, để giá bán XD thấp hơn giá cơ sở. Trước đây, khoản bù lỗ cho người dân được Nhà nước bù giá trực tiếp cho DN, năm 2008 bù khoảng 23.000 tỷ đồng. Nhưng theo Nghị định 84 thì không còn bù cho DN nên DN bị lỗ tích lũy. Thêm vào đó, Nhà nước hầu hết hy sinh về thuế, trong khoảng từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 9 năm nay, về cơ bản Bộ Tài chính không thu thuế XD. “Lẽ ra khi giá thế giới giảm thì ta phải tăng thuế, khi nào giá tăng thì cho tăng giá để DN bù lại, nhưng thực tế chưa bao giờ bù cho DN cả. Sau khi kiểm toán năm ngoái, Bộ Tài chính thừa nhận DN lỗ tích lũy mười mấy nghìn tỷ đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Nguyễn Anh Tuấn nói thêm, trước khi ban hành Nghị định 84 thì năm nào Nhà nước cũng phải bù lỗ vì XD là mặt hàng chiến lược cần bình ổn giá. Theo yêu cầu của Thủ tướng, khi giá XD thế giới tăng thì điều hành phải cân nhắc tới các chỉ tiêu KT - XH, sử dụng công cụ thuế, phí... Nhà nước phải hy sinh lợi ích là không thu thuế nhập khẩu trong một thời gian dài. Thứ hai là sử dụng quỹ bình ổn giá, sử dụng rất linh hoạt trên nguyên tắc quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa lợi ích người dân, DN và Nhà nước.
Không có chuyện không minh bạch về giá xăng dầu
Tại buổi tọa đàm, có ý kiến cho rằng, thị trường XD còn thiếu minh bạch, còn nhiều lỗ hổng về chất lượng... Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, có cách hiểu này là do nhiều người còn chưa nhận thức đúng về thị trường XD, nhất là về giá XD. “Những ai cho rằng giá XD không minh bạch, xin dành thời gian tra cứu các thông tin, bởi có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về giá XD ban hành vào bất cứ ngày nào, trong đó đều công bố rõ giá cơ sở của XD vào đúng ngày hôm đó, theo đúng công thức của Bộ Tài chính. Do vậy, không thể nói là không minh bạch”, Thứ trưởng Tú nói.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định về sự minh bạch của giá XD. Bởi, thứ nhất, việc công khai giá XD, Nhà nước đã ban hành cơ chế rõ ràng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84, các bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn, như Bộ Tài chính ban hành Thông tư 234 quy định cụ thể về cấu thành giá, quỹ bình ổn giá... Thứ hai, mỗi lần điều hành giá, các bộ đều họp báo thông tin về cách tính giá, điều hành giá, về các công cụ điều tiết, giải thích cụ thể tại sao. Thứ ba, kết quả thanh tra kiểm tra đều được công khai qua báo chí...
Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Bảo, lý do chính khiến dư luận vẫn nhìn nhận giá XD không minh bạch là do giá XD trong nước thường không biến động cùng nhịp với giá XD thế giới. Trên thực tế là giá XD không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới mà còn phụ thuộc vào thuế, tỷ giá... nên nếu dư luận chỉ nhìn vào giá thế giới để kết luận giá XD tăng nhanh, giảm chậm hoặc không minh bạch là không đúng. Ví dụ, giá trong nước sẽ tăng chậm hơn giá thế giới trong trường hợp giá thế giới tăng mạnh nhưng Nhà nước không tính thuế nhập khẩu XD và DN chịu lỗ. Ngược lại, giá XD trong nước sẽ tăng nhanh hơn giá thế giới trong trường hợp giá thế giới giảm nhưng Nhà nước tăng thuế cao và DN tăng giá để bù cho giai đoạn chịu lỗ trước đó.
Trước ý kiến cho rằng, thị trường XD không minh bạch vì có tình trạng độc quyền của Petrolimex, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đề nghị: “Theo tôi khi nhận xét một vấn đề cần phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Đối với trường hợp của Petrolimex có 2 điều kiện cần xem xét. Thứ nhất, khi chúng ta còn trong cơ chế kinh tế bao cấp thì Petrolimex là đơn vị duy nhất cung cấp XD cho cả nước. Đến nay, chúng ta đã có 13 đơn vị đầu mối cung cấp XD. Nói về độc quyền thì cần nói 2 vấn đề là: thị phần và định giá nhưng thị phần của Petrolimex hiện nay chỉ còn 48% và kể từ khi thực hiện Nghị định 84 đến nay, cơ bản là hoạt động định giá vẫn là do Nhà nước điều tiết (40 tháng), doanh nghiệp được định giá trong khoảng thời gian có 2 tháng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định, không có chuyện độc quyền ở thị trường XD. “Các DN XD cạnh tranh khá khốc liệt về giá, dĩ nhiên theo biên độ cho phép. Hiện nay không có chuyện các DN bắt tay nhau định giá, nhưng thực tế là các DN đều bám sát giá cơ sở nên giá giữa các DN chênh lệch không nhiều, vì giá thế giới tương đối ngang nhau, còn thuế, phí thì như nhau...”.
Không nên lấy một vài hiện tượng để kết luận về chất lượng xăng dầu
Trước ý kiến về việc hiện nay có nhiều cây xăng bán xăng kém chất lượng và gian dối về số lượng, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đề nghị, về chất lượng XD, không nên lấy hiện tượng để kết luận về tất cả. Trong số hơn 13.000 cây xăng đang hoạt động thì tỷ lệ gian lận là rất nhỏ. Có thời điểm cơ quan nhà nước đã phát hiện đến 20, 30 cây xăng vi phạm, nhưng đừng vì thế mà kết luận cả 13.000 cây xăng đều vi phạm. Ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho biết, hệ thống bán lẻ XD trên cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng, trong đó của Petrolimex khoảng 2.500 cây xăng, còn lại hơn 10.000 cửa hàng thuộc mọi thành phần kinh tế. Hệ thống này đều theo quy định của Nghị định 84, tức là đại lý cho 13 doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp phải giám sát đại lý của mình, kể cả về chất lượng. Vừa qua, các đầu mối, các cơ quan quản lý nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế thì mạng lưới bán lẻ XD rất lớn, tản mạn, cơ sở kỹ thuật vật chất không thực sự đồng đều, quan hệ giữa đầu mối và đại lý là quan hệ giữa pháp nhân và pháp nhân nên trong chừng mực nào đó việc quản lý cũng không đơn giản. Với Petrolimex, qua kiểm tra 2.500 cửa hàng trực thuộc đều không phát hiện gian lận về đong đo, chất lượng vì doanh nghiệp đã có chế tài kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ. Một trong những lý do dẫn đến sai phạm ở các đại lý XD là do kinh doanh XD trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp cũng phải giảm cắt hoa hồng, lợi nhuận không đủ cho doanh nghiệp kinh doanh nên họ có thể vi phạm. Trước vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ xem xét tăng mức thù lao cho các đại lý, tạo ra một cơ chế để đại lý có lợi nhuận để hoạt động, từ đó góp phần ngăn chặn các vi phạm về kinh doanh XD. |
Thu Hường