Mong mỏi nhiều chính sách mới
Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết, tập đoàn vừa thoái vốn khỏi lĩnh vực bán lẻ và nông nghiệp để tập trung phát triển công nghiệp, công nghệ, nhất là sản xuất ô tô. Đây là hướng đi mới nên đối mặt với nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, việc chuyển hướng phát triển mạnh vào ô tô điện, CEO Vingroup tin sẽ giúp giảm nguồn thải từ các phương tiện giao thông, cũng như cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường.
Đại diện Vingroup cho biết mong muốn nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là về thuế, phí để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt là ô tô sử dụng động cơ điện.
Ông Nguyễn Việt Quang cho rằng theo kinh nghiệm quốc tế, cần có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, cũng như xây dựng một hệ sinh thái thân thiện cho phương tiện chạy điện.
Cùng trăn trở này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải, đưa ra một số kiến nghị liên quan đến lĩnh vực cơ khí – ô tô và nông nghiệp. Ông Trần Bá Dương mong muốn Chính phủ đẩy mạnh lộ trình số hóa nền kinh tế. Có những chính sách hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất linh kiện ô tô trong nước, tiến tới xuất khẩu, trở thành trung tâm sản xuất lớn. Về lĩnh vực nông nghiệp, ông Dương cho biết việc vay vốn của doanh nghiệp lĩnh vực này còn khó khăn. Nhiều ngân hàng thương mại e ngại cho vay trong khi tiềm năng của ngành nông nghiệp còn rất lớn.
Ở lĩnh vực điện mặt trời, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Công cho rằng, năm 2019 chứng kiến sự phát triển sôi động của điện mặt trời với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân cùng chính sách giá khuyến khích 9,35 cent/ kWh theo Quyết định 11/2017, nhưng đến ngày 30/6/2019 vừa qua quyết định này đã hết hiệu lực, đến nay vẫn chưa có cơ chế giá mới.
Ông Đặng Văn Thành kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm có cơ chế giá khuyến khích điện mặt trời và tháo gỡ những vướng mắc của Luật Quy hoạch và bổ sung quy hoạch. Cùng với đó là cải thiện hệ thống truyền tải lưới điện quốc gia để giải toả công suất các dự án điện mặt trời khi hoà lưới.
Các doanh nghiệp startup công nghệ 4.0 cũng có nhiều mong mỏi về chính sách. Ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn & Tích hợp Công nghệ D&L cho biết, PAM Air là sản phẩm "make in Viet Nam" do công ty xây dựng và phát triển dựa trên các thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí, cho ra chỉ số chất lượng không khí (AQI) hiển thị theo thời gian thực. Người dân chỉ cần cài đặt ứng dụng PAM Air trên điện thoại thì sẽ biết được chất lượng không khí nơi mình đang sống.
Ông Hoàng Dũng cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng PAM Air là tìm kiếm công nghệ phụ trợ, nhiều thiết bị không có tại Việt Nam nên công ty phải đặt mua ở nước ngoài. Cùng với đó, chưa có cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp với nhà khoa học, viện nghiên cứu nên doanh nghiệp vẫn phải ‘tự bơi’.
“Hiện nay, với ứng dụng Pam Air, doanh nghiệp đang cùng nhà nước đưa ra dịch vụ cung cấp cho người dân biết diễn biến của không khí. Đây là dịch vụ công. Với mô hình các nước trên thế giới thì nhà nước có thể làm việc với doanh nghiệp để làm sao đưa ứng dụng này vào chương trình của nhà nước. Chúng tôi mong muốn có cơ chế rõ ràng hơn về việc bắt tay giữa doanh nghiệp và nhà nước cùng cung cấp dịch vụ công”, ông Hoàng Dũng bày tỏ.
Đảm bảo môi trường kinh doanh
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã chỉ ra 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu. Các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận những điểm chồng chéo này, nhưng vẫn giải quyết rất chậm chễ. Do đó, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ chủ trì cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ, ngành liên quan xem xét cụ thể từng điểm chồng chéo. “Tôi đề nghị, làm theo cách dùng 1 luật sửa nhiều luật, dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định, tháo gỡ ngay những điểm chồng chéo này để mở đường cho đầu tư phát triển. Hiện thủ tục cấp phép đầu tư kéo dài 2-3 năm, nếu có thể hoàn thành trong 6 tháng hay sớm hơn 1 năm thì toàn bộ quá trình đầu tư sẽ nhanh hơn rất nhiều”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cùng với đó, hiện các doanh nghiệp tư nhân lớn đang đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuất ô tô, công nghệ thông tin… là những lĩnh vực liên quan cả tới an ninh quốc phòng, do đó, cần khung pháp lý hoàn thiện thúc đẩy hình thức đối tác công tư phát triển.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất, trong điều kiện chưa có luật riêng về hộ kinh doanh, cũng như chưa đưa các quy định liên quan đến hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Chính phủ cần nghiên cứu, trước mắt hoàn thiện khung pháp lý đối với hộ kinh doanh, trên nguyên tắc thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, không ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thân cho biết thêm, sau gần 2 năm triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp được thụ hưởng những lợi ích từ luật và các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ lại rất ít. Chính phủ cần sơ kết, đánh giá toàn diện và cụ thể về hiệu quả của các chương trình và giải pháp đối với cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, sát đúng với tình hình thực tế, tạo động lực cho doanh nghiệp vươn lên.
Về góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở 5 định hướng và giải pháp. Trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp để có lực lượng doanh nghiệp quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia.
Cùng đó, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Đặc biệt, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Cùng với đó là thu hút và phát triển các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Thể chế là mấu chốt quyết định hiệu quả nền kinh tế
Những nỗ lực của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực kinh doanh của nền kinh tế trong 5 năm gần đây là rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp mới là thước đo cuối cùng của cải cách. Có những cải cách được bộ, ngành công nhận, nhưng lại chưa được doanh nghiệp công nhận. Đất đai, thuế, phí, bảo hiểm xã hội chính là những lĩnh vực mà doanh nghiệp gặp phiền hà nhiều nhất.
Về động lực cho cải cách trong thời gian tới, sẽ rất khó thành công nếu chỉ xuất phát từ Chính phủ. Đã đến lúc chúng ta cần một cơ quan độc lập để giám sát và nâng cao chất lượng thể chế.
Tôi cho rằng nếu để bộ ngành chủ động cải cách, đề xuất thì các cơ quan liên quan, bộ, ngành đánh giá tác động như vậy thì quá trình cải cách không hiệu quả. Do đó, một cơ quan giám sát thực thi mới là động lực của cải cách.
Ông Đào Xuân Lai, trợ lý Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam: Phải hướng đến chuỗi toàn cầu, thị trường thế giới
Để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển và tạo nền tảng động lực vững chắc cho phát triển kinh tế nhanh, cần sự phối hợp và liên hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Chính phủ và người dân. Chính phủ cần kiến tạo được môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng hơn nữa cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, không quá ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay khối doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta phải hướng đến các chuỗi toàn cầu, đưa ra thị trường quốc tế.
Hiện nay, nhiều nước đã và đang áp dụng các nguyên tắc và lộ trình để phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo đó, cả nền kinh tế là một chu trình khép kín, hầu hết những công cụ hay vật dụng hết hạn sử dụng được dùng làm đầu vào cho sản xuất và hàng hóa mới. Với yêu cầu đó, các doanh nghiệp khi đưa ra sản phẩm mới ra thị trường phải đảm bảo rằng, sản phẩm khi hết hạn phải sử dụng được cho chuỗi sản phẩm mới khác, và phần thải bỏ phải được thu hồi lại để đảm bảo quản lý bảo vệ môi trường.