Hai đợt dịch COVID-19 liên tục tấn công vào các khu công nghiệp trọng điểm ở phía Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh) và phía Nam (TP phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…) liên tiếp trong 3 tháng qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung ứng hàng hóa, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Lời giải nào cho bài toán mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất”, vẫn luôn là câu hỏi làm đau đầu các cơ quan chức năng và doanh nghiệp. “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”, xét nghiệm sàng lọc, tiêm vaccine phòng COVID-19 và 5K…, những mô hình, những giải pháp đã được áp dụng, nhưng vẫn chưa thể là đáp án tròn trịa.
Mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) khởi đầu từ đợt dịch xảy ra tại Bắc Giang vào tháng 5/2021, khi dịch COVID-19 tấn công vào khu công nghiệp - thành trì của nền kinh tế. Mô hình này khi đó được thực hiện rất hiệu quả, là giải pháp quan trọng để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện trong cộng đồng tại xã Phương Sơn (Lục Nam) vào ngày 7/5/2021 liên quan đến nguồn bệnh từ Bệnh viện K Hà Nội, Bắc Giang sau đó đã liên tiếp phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và bắt đầu bước vào cuộc chiến với làn sóng dịch COVID-19 thứ tư. Ca nhiễm bệnh đầu tiên trong khu công nghiệp được phát hiện tại khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên), đây là công nhân của Công ty SJ Tech, liên quan đến nguồn bệnh từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Từ các nguồn lây trên, hàng loạt doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã có công nhân mắc COVID-19, như Công ty TNHH Shin Young Việt Nam, TNHH SJ Tech Việt Nam, TNHH Vina Solar, TNHH Kum Jang Vina (khu công nghiệp Vân Trung), Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Samkwang Vina… (khu công nghiệp Quang Châu).
Tiến hành xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, tỉnh này phát hiện hàng trăm ca nhiễm SARS-CoV-2 tại các khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê-Nội Hoàng và trong các khu nhà trọ. Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất của cả nước khi đó.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 18/5, Bắc Giang đã đưa ra quyết định phong tỏa 4 khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng để giữ chân 67.000 lao động ngoại tỉnh tại địa bàn, tránh làm lây lan dịch bệnh; đồng thời cách ly xã hội các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những ngày sau đó, tỉnh tiếp tục cách ly các huyện Hiệp Hòa, Yên Thế, Tân Yên. Các bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân F0 được thiết lập với quy mô lên đến 6.900 giường.
Việc tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp khi đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh, là “vô cùng khó khăn”, bởi thiệt hại rất lớn, khoảng 600 tỷ đồng mỗi ngày, có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn doanh nghiệp không muốn dừng sản xuất.
Để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”, một mặt, Bắc Giang xét nghiệm, lập danh sách và phối hợp với các tỉnh, thành phố đưa số công nhân đủ điều kiện ra khỏi khu cách ly tập trung, cách ly xã hội trở về địa phương để tránh nguy cơ lây chéo; mặt khác, 35 Tổ công tác của tỉnh tiến hành đánh giá điều kiện sản xuất gắn với phòng, chống dịch của các doanh nghiệp để khôi phục hoạt động của 4 khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng. Sau 11 ngày cao điểm tập trung dập dịch, Bắc Giang bắt đầu cho doanh nghiệp hoạt động trở lại với điều kiện sạch bệnh.
Mô hình “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ xuất hiện từ đây. Doanh nghiệp bố trí nơi ăn ở cho người lao động ngay trong doanh nghiệp, tách biệt với bên ngoài. Người lao động làm việc tại cùng một bộ phận sẽ được bố trí cùng ăn, cùng ở với nhau; khi di chuyển cùng đi chung một xe. Các khu vực sản xuất được bố trí vách ngăn tạo sự tách biệt để có thể nhanh chóng cách ly từng khu vực khi xuất hiện ca mắc COVID-19.
Với giải pháp phân vùng cách ly y tế từ trong từng khu vực sản xuất, đến giữa các doanh nghiệp với nhau, Bắc Giang đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Người lao động trước khi được đưa vào doanh nghiệp đều được xét nghiệm, bảo đảm âm tính với SARS-CoV-2.
Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang Đào Xuân Cường cho biết, việc áp dụng "3 tại chỗ" không phải dễ dàng, phải làm rất cẩn thận và theo quy trình chuẩn. Lao động trước khi vào nhà máy sẽ phải ở khu cách ly đệm khoảng 7 ngày - được xét nghiệm PCR 2 lần - khi kết quả đều âm tính mới sẽ được vào nhà máy làm việc. Toàn bộ các xét nghiệm đều thực hiện theo phương pháp RT-PCR, không dùng test nhanh để bảo đảm khâu sàng lọc. Ai làm ở đâu, ngồi ăn bàn nào, ngủ chỗ nào đều được đánh số, tên tuổi rõ ràng. Khi phát sinh F0 sẽ truy dễ dàng hơn. Một tuần, doanh nghiệp lại tiến hành xét nghiệm RT-PCR một lần để sàng lọc.
Đi kèm với việc thực hiện "3 tại chỗ", xác định tiêm vaccine là giải pháp căn cơ trong phòng, chống dịch, Bắc Giang triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho tất cả công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, trong các khu phong tỏa.
Tuy vẫn còn xuất hiện một số ca F0 trong các nhà máy thời gian qua, nhưng việc phát hiện ở đâu, khoanh vùng dập dịch triệt để ở đó, đã khống chế không để dịch lan rộng. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thực hiện tốt phương châm 5K+vaccine, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức “Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Giang), tâm dịch lớn nhất của cả nước này đã trở về với trạng thái bình thường mới từ ngày 29/7.
Gần 2 tháng sau “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 căng thẳng, 100% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại, với tổng số trên 121.000 công nhân lao động. Tỉnh đã triển khai hiệu quả phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khôi phục sản xuất. Hiện trong các khu công nghiệp trên địa bàn vẫn còn khoảng 20.000 người ở lại doanh nghiệp. Cho dù thực hiện “3 tại chỗ” hay đi về hằng ngày, các công nhân đều được yêu cầu tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cả ở nhà máy cũng như ở nhà.
Bài 2: Mối lo của doanh nghiệp