Tham dự hội đàm có đại diện của 26 doanh nghiệp trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, hàng hải, thủy sản, giáo dục, du lịch - dịch vụ, lữ hành của Singapore và tổ chức doanh nhân quốc tế (IE - Singapore) tại Việt Nam và các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hoạt động hiệu quả tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, những năm qua, bên cạnh tập trung phát huy nội lực, huy động và thu hút nguồn lực đầu tư, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai các dự án tại địa phương.
Ông Alan Tan (giữa), Giám đốc khối Asean, Cục Doanh nghiệp Toàn cầu, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore phát biểu tại buổi hội đàm.
|
Trên địa bàn, hiện đã có nhiều dự án đầu tư hiệu quả của các nhà đầu tư lớn nước ngoài và trong nước như: Tập đoàn Banyan tree (Singapore), Tập đoàn Bia Carlsberg, Công ty HBI (Hoa Kỳ), Tập đoàn Royal Caribbean; Công ty CP, Tập đoàn Banpu, Bangchak (Thái Lan) và của các Tập đoàn Vingroup, Bitexco, Nguyễn Kim (Việt Nam).
Hiện nay, ngoài kinh tế, Thừa Thiên - Huế đang tập trung phát triển để trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh vực chất lượng cao và trung tâm khoa học công nghệ của cả nước.
Với tiềm năng về thiên nhiên, địa hình, hạ tầng giao thông bao gồm đường bộ, hàng không, cảng biển và định hướng phát triển trên, hy vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư đến với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn được tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp Singapore; các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp khác ở trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế.
Quang cảnh hội đàm. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Tại buổi hội đàm, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp Singapore bày tỏ mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, hàng hải, công nghiệp tại Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô; các khu công nghiệp và các điểm du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Phía đối tác cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế làm rõ về định hướng và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh vào một số lĩnh vực như tiềm năng phát triển của cảng Chân Mây để có thể trở thành cảng lớn chung chuyển hàng hóa và phục vụ cho du lịch biển; các điểm nghỉ dưỡng để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe…
Chia sẻ với các doanh nghiệp Singapore về hiệu quả đầu tư, chính sách hỗ trợ đầu tư và tiềm năng phát triển lâu dài tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Cảm, Giám đốc Kế hoạch và Phát triển kinh doanh Thủy sản - Công ty CP Việt Nam (một doanh nghiệp Thái Lan đầu tư thành công tại tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, công ty rất hài lòng về môi trường đầu tư của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhất là được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, người dân nơi doanh nghiệp hoạt động; đơn vị này cũng mong muốn được mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Singapore để có thể xuất khẩu các loại sản phẩm của Công ty CP Việt Nam sang Singapore.
Hội đàm là dịp để các doanh nghiệp Singapore tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thừa Thiên - Huế. Phía tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cam kết sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ với điều kiện tốt nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp Singapore đến đầu tư tại tỉnh này trong thời gian tới...