Đề nghị hỗ trợ lãi suất vay trung, dài hạn; tỷ giá ổn định
Tại Hội nghị triển khai điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, diễn ra ngày 14/3, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết: “Vietnam Airlines đang từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những giải pháp quyết liệt hỗ trợ cho các ngành chịu ảnh hưởng của COVID-19 như: Nghị định 31/2022/NĐ-CP, các Thông tư số 01, 02 của NHNN. Nhờ có sự hỗ trợ quyết liệt, ví dụ về chính sách Visa đã giúp chúng tôi phục hồi 80 - 90% so với trước dịch năm 2019”.
Hiện ngành Hàng không bị ảnh hưởng lớn bởi căng thẳng địa chính trị, đặc biệt vấn đề Trung Đông cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến chi phí tăng lên rất cao. Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn tiến tới mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở lại các đường bay cũ và mới, đặc biệt là những đường bay xuyên lục địa.
Ông Đặng Ngọc Hòa kiến nghị cho ngành Hàng không được hỗ trợ về lãi suất vay, đặc biệt nguồn vốn trung và dài hạn. “Vietnam Airlines mong chính sách điều hành tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể. Bởi chỉ thay đổi về tỷ giá 1%, hãng cũng mất 300 tỷ đồng, nếu biến động 5%, chi phí một năm tăng 1.500 tỷ đồng. Chúng tôi kiến nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng hạn mức tín dụng cho Vietnam Airlines”, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines chia sẻ.
Đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị với NHNN chỉ đạo các NHTM có thêm nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp. Đề cập về tỷ giá, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho hay: NHNN đã đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, điều tiết ngắn hạn lượng tiền dư trong thị trường và hạ nhiệt tỷ giá giúp cho kinh doanh của Sun Group đã có những tác động tích cực.
“Bên cạnh đó, các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đi thực tế các địa phương để có những chính sách, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời rất nhiều dự án bất động sản”, ông Đặng Minh Trường nhấn mạnh.
Ông Đặng Minh Trường đề xuất: Chính phủ và NHNN tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay. “Hiện, sự chênh lệch giữa các khoản vay của NHTM cổ phần và NHTM Nhà nước chênh khá là lớn (từ 4 - 5%). Doanh nghiệp mong có sự thu hẹp khoảng cách này, từ đó, chi phí vay vốn sẽ giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho biết.
Còn ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) đề nghị các ngân hàng có thêm gói tín dụng mới để các doanh nghiệp tiếp cận.
"Một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bất động sản vướng mắc và Becamex cũng gặp khó, đó là tất cả kế hoạch, phát hành trái phiếu – là những lĩnh vực chính của Becamex vì khi doanh nghiệp phát triển hạ tầng thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thường có kế hoạch phát hành, kế hoạch sử dụng, kế hoạch trả nợ thường kéo dài nên ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ, dẫn đến ảnh hướng về vay tín dụng", lãnh đạo Becamex chia sẻ.
Cần đồng bộ giải pháp phục hồi kinh tế, gỡ khó cho cả ngân hàng
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), hiện thị trường vốn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn, kể cả vốn ngắn hạn chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, trong khi doanh nghiệp căng mình chống chọi với sự ảnh hưởng của COVID-19.
Bên cạnh đó, nền kinh tế với xung đột địa chính trị thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng sụt giảm dẫn đến nguồn lực, tài sản cạn kiệt; áp lực trả nợ các khoản cơ cấu theo Thông tư 02 rất lớn, dẫn đến không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.
“Ngành Ngân hàng đang đối diện với áp lực nợ xấu hiện hữu trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiếp tục khó khăn khi nhiều người vay cố tình không trả nợ, cá biệt còn thành lập hội nhóm bùng nợ công khai trên mạng xã hội, dẫn đến các TCTD thu hẹp phạm vi, đối tượng cho vay”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Đại diện VNBA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Cụ thể là xúc tiến thương mại, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT); đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng.
Không chỉ đại diện VNBA, mà nhiều doanh nghiệp đều mong mỏi chính sách tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, đặc biệt về đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh theo tiến độ; đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
“Đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng có vốn Nhà nước tăng vốn điều lệ, lợi nhuận và điều lệ để lại của các ngân hàng để giúp các TCTD tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.
Đại diện VNBA kiến nghị: Trong phạm vi thẩm quyền trình Quốc hội xem xét không phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền nộp chậm thuế GTGT với hoạt động phân tích kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư tài chính (SMC) từ năm 2011 đến nay của các TCTD bởi lỗi gây ra không phải do các TCTD. Đặc biệt cần xử lý tội phạm trên không gian mạng, hội nhóm bùng nợ, khách hàng cố tình chây ì không trả nợ, tiếp tục triệt phá ổ nhóm “tín dụng đen”.
Ngoài ra, cần rà soát Bộ luật Dân sự 2015 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi Luật Phá sản theo hướng cho phá sản đối với doanh nghiệp yếu kém, không còn khả năng phục hồi để giảm gánh nặng cho nền kinh tế.