Theo nội dung Tờ trình này, toàn bộ quận Ninh Kiều sẽ không được phép chăn nuôi yến, các quận như: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh chỉ bị cấm các nuôi tại các thị trấn trung tâm. Trên cơ sở đó, các vùng được phép nuôi là các vùng còn lại không bị cấm nhưng phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 54, 55, 56 của Luật Chăn nuôi và một số quy định pháp luật khác.
Tại cuộc họp, các đại biểu sở, ban, ngành thảo luận các vấn đề như hỗ trợ kinh phí di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, xây dựng cơ sở chăn nuôi tại vùng khuyến khích phát triển.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện tờ trình; trong đó quan trọng nhất là bổ sung nội dung giải thích tại sao có vùng được, có vùng không được nuôi chim yến. Đồng thời Sở cũng sẽ đánh giá lại tác động của chính sách đến xã hội.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến trong cuộc họp để hoàn thiện tờ trình, đồng thời nhấn mạnh Sở Tư pháp trong việc hỗ trợ để nghị quyết tờ trình phù hợp về mặt pháp lý trình Hội đồng Nhân dân.
Nghề nuôi chim yến trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã và đang phát triển mạnh. Theo số liệu thống kê của ngành thú y tại thời điểm tháng 3/2020, thành phố có 194 hộ nuôi chim yến với tổng đàn ước tính lên đến 100.000 con được nuôi trải dài ở tất cả quận huyện.
Tuy nuôi yến là lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận cao của thành phố với doanh thu mỗi năm ước tính lên đến 12 tỷ đồng (chỉ riêng tổ yến thô) nhưng việc chăn nuôi yến ở các khu vực nội thành nơi có đông dân cư đang phát sinh các vấn đề về vệ sinh môi trường, ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng dân cư. Thêm vào đó, nghề nuôi yến trên địa bàn đang phát triển một cách tự phát với nhiều rủi ro dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát.