Mũ bảo hiểm giả lại bùng phát

Kể từ khi quy định xử phạt hành chính đối với người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm (MBH) giả, kém chất lượng (theo Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT) dừng thời hạn áp dụng để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật thì tình trạng kinh doanh, sử dụng MBH giả lại bùng phát. Nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét ban hành lại quy định xử phạt hành chính nói trên.


Hàng giả “ép” hàng thật


Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều quan điểm, bức xúc từ phía các cơ quan chức năng, đại diện các doanh nghiệp sản xuất MBH về tình trạng MBH giả, kém chất lượng tái xuất hiện tràn lan trên thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, khi có thông tin sẽ ban hành quy định xử phạt người đội MBH giả vào ngày 15/4/2013, người tiêu dùng đã tự tìm mua MBH đạt chuẩn. Tuy nhiên, khi vừa có quyết định dừng thời hạn áp dụng quy định xử phạt thì sức mua của MBH có chất lượng đạt quy chuẩn giảm mạnh. Điều này cho thấy, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng mua MBH chỉ với mục đích đối phó với lực lượng công an, không quan tâm đến sự an toàn mà MBH mang lại khi tham gia giao thông.


Nhiều loại mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng bày bán tràn lan ngoài vỉa hè.

 

Ông Nguyễn Thanh Hậu, Phó Giám đốc công ty TNHH nhựa Á Châu, bức xúc nói: “Từ khi có quyết định không xử phạt người đội MBH giả tham gia giao thông thì tình trạng sản xuất, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng bùng nổ trở lại còn nhiều hơn lúc trước khi có Thông tư 06. Chúng tôi đã cố gắng hạ giá thành nhưng vẫn không thể cạnh tranh lại với những MBH giả có giá chỉ vài chục ngàn đồng”.


Minh chứng cho điều này, có thể thấy trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM, rất nhiều chủng loại MBH không rõ nguồn gốc, không có tem chứng nhận chất lượng và ngay cả những loại mũ lưỡi trai, mũ cối... không có lớp mút xốp bảo vệ được bày bán tràn lan từ trong cửa hàng ra đến vỉa hè. Theo thống kê mới đây của Tổng Cục đo lường chất lượng, có trên 60% MBH trên thị trường thiếu những thông tin quan trọng như: tên hàng hóa, thông tin sản phẩm, nhà sản xuất... ở các sản phẩm được sản xuất trong nước và cả những sản phẩm MBH nhập khẩu.


Còn theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau 5 năm thực hiện nghị quyết về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH, đến nay tỷ lệ người tham gia giao thông đội MBH khi đi xe mô tô, gắn máy đã đạt đến 90%. Thế nhưng theo đó, chỉ có 30% người đội MBH đạt chất lượng, còn lại là sử dụng MBH giả, kém chất lượng. Điều này cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh MBH đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Mặt khác, báo cáo của Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM từ tháng 3 đến trung tuần tháng 8 cho biết đã xử lý 284 vụ sản xuất MBH kém chất lượng với hơn 12.000 MBH đã hoàn chỉnh, hơn 3.000 MBH bán thành phẩm, trên 39.000 phụ liệu và hơn 1.500 kg nguyên phụ liệu dùng để sản xuất mũ kém chất lượng.


Điều đáng nói, những đơn vị sản xuất MBH giả, kém chất lượng ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn lách luật. Những đối tượng này thường chọn địa bàn hẻo lánh, nằm xa trung tâm thành phố, nơi sản xuất và kho hàng để xa nhau, gây khó khăn cho cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát. “Trên những MBH chất lượng thường ghi dòng chữ “MBH dành cho người đi môtô, xe máy”. Còn MBH giả lại dùng chữ là MBH thể thao, MBH dành cho người đi bộ, MBH thời trang... Chính vì vậy, khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, những người kinh doanh sẽ có cớ để tránh bị xử lý”, ông Nguyễn Thanh Hậu cho biết.


Không những thế, ngay cả những cơ sở sản xuất đã đăng ký và công bố hợp quy cũng sản xuất MBH giả, kém chất lượng. Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT, TP.HCM, cho biết những cơ sở sản xuất này chỉ công bố hợp quy vài sản phẩm và sau đó sử dụng tem hợp quy của sản phẩm này để dán lên các sản phẩm chưa công bố hợp quy khác để bán ra thị trường.


Cần xử phạt người đội mũ giả


Lý giải về tình trạng MBH giả, kém chất lượng ngày càng hoành hành, nhiều đại diện doanh nghiệp sản xuất MBH cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này chính do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn quá nhẹ. Bản thân các đơn vị sản xuất MBH còn thiếu trách nhiệm với xã hội khi chỉ quan tâm nhiều tới lợi nhuận hơn là quyền lợi của người tiêu dùng. Bất chấp pháp luật, họ vẫn tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng và người tiêu dùng lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất.


Theo thống kê, trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua (từ ngày 31/8 đến hết ngày 2/9), tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) có 278 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, trong đó có đến 204 trường hợp bị chấn thương sọ não. Trong 204 trường hợp đó, số nạn nhân có đội MBH là 189 trường hợp, còn lại là không đội MBH. Trong khi MBH đã được chứng minh giúp giảm khả năng chấn thương nặng do tai nạn giao thông tới 69%, giảm khả năng tử vong tới 42%. Số liệu trên đã cho thấy rõ thực trạng thị trường MBH ở nước ta đang bị buông lỏng quản lý nghiêm trọng.


“Chúng tôi kiến nghị phải xử phạt hành chính đối với người tham gia giao thông nhưng sử dụng những loại mũ thể thao, mũ dành cho người đi bộ, mũ thời trang... Bởi việc xử lý hành chính này phải xác định rõ là không phải phạt người tiêu dùng mà là xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Phải làm rõ khái niệm này để có sự đồng thuận từ dư luận xã hội”, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Marketing công ty TNHH Long Huê, đề xuất.


Trong khi đó, theo luật sư Thái Văn Chung, “Đối với việc kinh doanh MBH thời trang không đạt chuẩn thì có thể xử phạt được ngay. Nhưng không nên phạt hành chính người đội với mũ bảo hiểm kém chất lượng. Vì đối với mũ kém chất lượng vẫn có cấu tạo 3 thành phần như một MBH. Vậy không thể xử phạt người tiêu dùng được vì họ không thể phân biệt đâu là mũ chất lượng tốt hay không tốt. Chúng ta đã có đủ lực lượng QLTT, công an, kinh tế, vấn đề phải giải quyết từ gốc là những người sản xuất, nhập khẩu MBH”.

 

Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM: Người tiêu dùng đang đứng trước “ma trận” MBH

Người tiêu dùng đang trước một “rừng” MBH với đủ chủng loại, từ MBH thực sự an toàn cho đến các loại mũ thời trang. MBH giả, nhái không đảm bảo chất lượng. Nhưng vì ham rẻ, người tiêu dùng vẫn sử dụng những loại mũ giả, kém chất lượng. Đến nay, việc đề xuất thực thi chính sách phạt người đội MBH giả, xử lý người sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng đang thể hiện những bất cập, lúng túng trong việc thực thi pháp luật.

 

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường TP.HCM: Không để doanh nghiệp tự in tem CR

Mũ bảo hiểm được kinh doanh như các mặt hàng khác, trong khi đó sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người mà giấy phép kinh doanh đơn giản quá thì không ổn. Chính phủ nên quy định tem CR dán trên MBH phải do cơ quan quản lý về chất lượng phát hành, không nên giao cho doanh nghiệp tự in. Thực tế, các đối tượng đã lợi dụng sơ hở này để in quá số lượng hoặc in tem CR giả lưu hành ra thị trường khiến công tác quản lý hết sức khó khăn.

 

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Marketing công ty TNHH Long Huê: Nên đưa ngành sản xuất mũ bảo hiểm vào loại hình sản xuất có điều kiện

Chúng tôi kiến nghị nên đưa ngành nghề này vào ngành nghề sản xuất có điều kiện.Hiện nay, những công ty sản xuất MBH giả, kém chất lượng thì chỉ có máy dập mút xốp thôi, tất cả chi tiết còn lại thì dùng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường về lắp ráp thành cái MBH, như vậy rất là vô lý. Chúng tôi kiến nghị phải siết chặt quản lý nhà sản xuất. Chính quyền địa phương buông lỏng các doanh nghiệp sản xuất ở địa phương nên tình trạng sản xuất hàng giả, trong đó có MBH giả mới tràn lan như vậy.

 

Anh Đức - Đan Phương thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN