Mùa của khởi nghiệp

Năm 2017 đang mở ra, một mùa xuân của đất trời cùng với “mùa của khởi nghiệp” với nhiều vận hội mới cho doanh nghiệp và cho đất nước.

Chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp thành lập mới bùng nổ mạnh mẽ và hoạt động khởi nghiệp có sức lan tỏa mạnh mẽ và có những điều kiện thuận lợi như thời điểm hiện nay. Đó là những nhận định của đa số các chuyên gia kinh tế khi đánh giá về hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam thời gian qua. Sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp được nhân rộng, cộng hưởng mạnh mẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp đang được tạo lập và kỳ vọng về một năm mới sôi động hơn. Năm 2017 đang mở ra, một mùa xuân của đất trời cùng với “mùa của khởi nghiệp” với nhiều vận hội mới cho doanh nghiệp và cho đất nước. 

Các sản phẩm sáng chế được trưng bày tại diễn đàn "Diễn đàn đàn Khoa học và Công nghệ lần thứ 2", với sự tham dự của đông đảo các nhà khởi nghiệp. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Thời điểm “vàng” 

Anh Khuất Duy Hòa (Hà Nội) có tám năm kinh doanh nhỏ lẻ trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị vệ sinh tại Hà Đông, Hà Nội. Tám năm kinh doanh anh vẫn chỉ thuê một kho chứa hàng vẻn vẹn 40m2 trong ngõ hẻm tại làng Vạn Phúc. Không thành lập doanh nghiệp, đối tượng khách hàng của anh cũng chỉ là vài cá nhân xây dựng nhỏ lẻ, hay cũng chỉ bán “vặt vãnh” cho các thợ sửa chữa thiết bị vệ sinh. Thế nhưng, tất cả giờ đã khác. 

Giữa năm 2016 anh Hòa chính thức thành lập doanh nghiệp với 15 nhân viên và đã có hẳn một cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại mặt tiền một con phố lớn ở Hà Đông. Anh cho biết, “Muốn làm ăn lớn thì phải thành lập doanh nghiệp, không thể mãi kinh doanh nhỏ lẻ được. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là trước đây tôi cứ nghĩ, mình chỉ làm ăn nhỏ thôi, chứ mở rộng ra rất dễ bị “nhòm ngó”, “sách nhiễu”. Tôi đã thay đổi cách nghĩ và hoàn toàn yên tâm khi nhận thấy thông điệp và hành động của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp phát triển, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Bạn bè tôi cũng vì điều này mà mạnh dạn đầu tư và mở rộng doanh nghiệp. Tôi cũng bị ảnh hưởng của tinh thần khởi nghiệp chung như vậy”. 

Cùng chung tâm lý của anh Hòa, anh Hoàng Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Tú Vân, người vừa mở thêm 2 cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội cũng hồ hởi chia sẻ: “Trong quá trình mở rộng kinh doanh của mình tôi đã tiếp xúc với chính quyền địa phương và được chính quyền địa phương tạo điều kiện hết sức và không còn bất cứ sự khó khăn, hay nhũng nhiễu nào nữa. Điều này củng cố thêm niềm tin cho doanh nghiệp chúng tôi về một môi trường tốt mà Chính phủ đã và đang cam kết”. 

Năm 2016 đã đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục thành lập doanh nghiệp vượt ngưỡng 110.000 doanh nghiệp. Đây là con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam kể từ năm 2013 trở lại đây. Con số này cũng cho thấy tinh thần khởi nghiệp đang được lan tỏa hơn bao giờ hết. Khởi nghiệp không chỉ có ở những người trẻ tuổi, mà ngay cả trong những doanh nhân thành đạt, tinh thần khởi nghiệp vẫn được phát huy để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những công ty mới, của cải mới cho xã hội. 

Tinh thần khởi nghiệp của anh Hòa, hay anh Tú cũng chỉ là một trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác trên lãnh thổ Việt Nam khi đang đóng góp chung vào mục tiêu chung là xây dựng một quốc gia khởi nghiệp theo tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. 

Giống như một vườn ươm cần một môi trường tốt, tinh thần khởi nghiệp đó đang được hỗ trợ và khích lệ lớn từ Chính phủ và các bộ ngành. Chính phủ đã và đang triển khai những chính sách lớn nhằm hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp. Coi khởi nghiệp là đột phá để thực hiện 3 đột phá chiến lược. Coi kết quả các chương trình khởi nghiệp là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. 

Trong bài phát biểu tại Lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021, ngày16/10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “Việt Nam đã bước sang một thời kỳ phát triển mới, Nhà nước không phải là người đi làm kinh tế mà làm kinh tế phải là doanh nghiệp, là người dân, là những thanh niên đầy hoài bão và tài năng như các bạn. Nhiệm vụ của Nhà nước là hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phát triển. Chính phủ quyết tâm chấn hưng giáo dục, cải thiện các yếu tố tác động tích cực hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nằm trong thứ hạng cao của các nước ASEAN”. 

Tinh thần khởi nghiệp càng được lan tỏa mạnh mẽ khi lãnh đạo chính quyền ở các tỉnh, thành, địa phương đã có chung tuyên bố về tinh thần khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà điển hình như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bến Tre… 

Tại các địa phương, các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp như “quán cà phê doanh nhân” đang ngày càng được nhân rộng, mà tại đó lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên có các cuộc gặp gỡ để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các doanh nhân trong quá trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của mình. 

Không chỉ bằng thông điệp, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công cuộc khởi nghiệp đã và đang được Chính phủ và các bộ, ngành ráo riết nghiên cứu xây dựng và ban hành. 

Nghị quyết 19 của Chính phủ trong các năm 2014, 2015, 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã thể hiện rõ điều này; trong đó đặt ra yêu cầu cải thiện triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, làm thế nào rút ngắn được quy định trên giấy tờ với thực thi của đội ngũ cán bộ công chức. 

Tiếp theo là Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung triển khai thời gian tới; trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Đặc biệt, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 05 năm 2016 về việc phê duyệt Đề án án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. 

Không chỉ những cơ chế chính sách cụ thể, nếu nhìn rộng hơn về những thời cơ mới của đất nước, khởi nghiệp bây giờ đang rất thuận lợi và là quá trình tất yếu trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Môi trường và cơ hội khởi nghiệp hiện nay ở nước ta rất thuận lợi để ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ nảy mầm, lớn mạnh. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam mặc dù còn non trẻ, nhưng hiện nay đã đứng thứ 3 trong ASEAN, và sẽ còn mạnh hơn nữa. Thị trường trong nước của Việt Nam đủ lớn và tăng trưởng nhanh để những sản phẩm của người khởi nghiệp có thể tiêu thụ được. 

Việt Nam đang có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp những người khởi nghiệp thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp.
Hơn nữa, Việt Nam còn đang ở thời kỳ dân số vàng, dân số trẻ rất đông. Đây là cơ hội vàng, thời điểm vàng của khởi nghiệp. Kinh tế Việt Nam đang dần chuyển dịch mô hình sang năng suất cao hơn, kỹ thuật cao hơn, sáng tạo cao hơn. 

Tất cả những điều đó cho thấy một môi trường tốt, đủ điều kiện cho những “vườn ươm khởi nghiệp” nảy mầm và phát triển. Chính phủ đã nhận thức và nỗ lực vào cuộc bởi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là con đường ngắn nhất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và rộng hơn là năng lực cạnh tranh quốc gia. Qua khởi nghiệp chúng ta mới nhanh chóng có được một thế hệ doanh nhân mới, hình thành làn sóng đầu tư mới. 

Thành công từ sự kết nối và lan tỏa 

Tuy thuận lợi như vậy, nhưng không có nghĩa là cứ khởi nghiệp là có thể thành công. Cũng như việc gieo hạt giống để mọc thành cây thì dễ, nhưng cái khó là duy trì và để cây phát triển và trở thành một cây đại thụ. Muốn có cộng đồng khởi nghiệp nhanh và bền vững và trở thành phong trào rộng khắp toàn xã hội thì cần hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp tốt để hướng tới một quốc gia khởi nghiệp. 

Ở vai trò của mình, Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh tốt và có sự hỗ trợ đối với cộng đồng khởi nghiệp. 

Anh Nguyễn Quang Thắng, thành viên sáng lập của Cộng đồng khởi nghiệp Việt (Vstartup) cho rằng, để phong trào khởi nghiệp không chỉ là trào lưu mang tính hình thức thì cần phải có những hành động cụ thể và thiết thực.

“Chúng tôi không chỉ cần đến những cơ chế chính sách thông thoáng và ưu đãi của nhà nước, mà còn cần đến sự giúp đỡ chia sẻ kết nối của cộng đồng, các quỹ đầu tư, chuyên gia tư vấn và các doanh nghiệp”, anh Thắng nhấn mạnh. 

Trong khi đó, việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều thủ tục cần phải được thay đổi để tạo thuận lợi nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng khởi nghiệp nói riêng. 

Mặc dù vậy, bên cạnh một môi trường tốt với sự quyết tâm từ Chính phủ và các bộ ngành, bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần có sự cố gắng, có tinh thần dám nghĩ dám làm, có tinh thần đổi mới sáng tạo để biến ý tưởng thành hiện thực. 

Để làm được điều này, với mỗi một cá nhân, một doanh nghiệp, đây là giai đoạn tốt để chuẩn bị cho mình đầy đủ nhất về kiến thức và kỹ năng, cũng như bản lĩnh và tinh thần để sau này mỗi bước chân khởi nghiệp đều hết sức vững vàng.
Nhưng mỗi cá nhân với những quyết tâm và ý tưởng sáng tạo thôi thì chưa đủ, cộng đồng khởi nghiệp cần có sự liên kết để tạo sức mạnh cộng hưởng, cùng nhau vượt qua thách thức để khởi nghiệp thành công trong bối cảnh hội nhập. 

Trong cuộc gặp gỡ với 100 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xuất sắc nhất trong năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắn nhủ với các doanh nghiệp, tham gia thị trường, doanh nghiệp phải đi bằng đôi chân của chính mình trên cơ sở một doanh nghiệp chân chính, phải nỗ lực, đổi mới và sáng tạo, phải liên kết với nhau, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các hiệp hội, ngành hàng. 

TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, “Người ta nói nhiều về vườn ươm, về quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng gần đây người ta còn nói nhiều hơn nữa về sự kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với nhau, kết nối với các nhà đầu tư. Các bạn trẻ cần liên kết với nhau, phải làm sao để tiếp cận được các nhà đầu tư, những người hỗ trợ hoặc hợp tác được với mình trong quá trình khởi nghiệp. Đó là con đường để dẫn tới khởi nghiệp thành công”. 

Trong buổi nói chuyện với thanh niên khởi nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh: “ Mặc dù đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn, một số thay đổi còn chậm, còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, nhưng thế hệ trẻ luôn là mối quan tâm lớn nhất của Nhà nước. Và Nhà nước luôn muốn đồng hành cùng các bạn”.
Với nỗ lực của Nhà nước và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cộng đồng khởi nghiệp, có thể thấy rằng, “mùa của khởi nghiệp” đang đến. Và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng có được 1 triệu doanh nghiệp vững vàng làm chủ thị trường trong nước và mạnh dạn vươn ra biển lớn trong thời gian tới.

Quốc Huy (TTXVN)
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

Chủ trương phát triển mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp quốc gia của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua đã cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN