Mừng nhưng vẫn lo

Trái ngược với bức tranh ảm đạm của nhiều loại nông sản, giá hồ tiêu các tháng đầu năm tăng cao kỷ lục đang mang lại “siêu lợi nhuận” cho nhà nông và doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Chạm mốc 1 tỷ USD


Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), 4 tháng đầu năm 2012, cả nước đã xuất khẩu hơn 47.000 tấn tiêu, giá trị ước khoảng 320 triệu USD, tăng 19% về lượng và 56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.

 

Phát triển trồng hồ tiêu để bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (Bình Phước). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Nhờ được giá xuất mà giá tiêu thu mua nội địa những tháng qua cũng được “đẩy” lên mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng 35 - 46%. “Nhu cầu tiêu thụ thế giới tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm, cộng với thị trường ngoại hối không ổn định, cũng như giá các loại hàng hóa khác tăng khiến giá hạt tiêu đang trên đà tăng mạnh. Với giá cả như hiện nay, rất nhiều nhà vườn trồng tiêu sẽ dễ dàng đổi đời giàu có” - ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, lạc quan.


Do nhu cầu mua mạnh của nhà xuất khẩu, hiện giá tiêu xô trong nước tăng nhẹ thêm 1.000 – 2.000 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu xô từ 122.000 - 123.000 đồng/kg; tại Bình Phước có giá 124.000 đồng/kg và giá cạnh tranh nhất vẫn là Bà Rịa – Vũng Tàu là 128.000 đồng/kg. Tính đến thời điểm giữa tháng 5, vụ thu hoạch tiêu năm 2012 gần như đã kết thúc tại các tỉnh trọng điểm về cây hồ tiêu thuộc khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên.


Đang miệt mài vận chuyển từng bao hạt tiêu lên xe thương lái, anh Nam ở huyện Bình Long (Bình Phước) nói, không giấu niềm vui trong ánh mắt: “Xong 2 vụ tiêu vừa rồi, gia đình em đã cất được một căn nhà lầu khang trang và còn dư tiền mua chiếc xe công nông phục vụ việc làm vườn nữa. Với giá cả như thế này, không lâu lắm nhà em sẽ thành tỷ phú”.


Chiếm 50% thị phần thế giới, Việt Nam đang tiếp tục là quốc gia xuất khẩu số 1 về hạt tiêu. Năm nay, lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước sẽ đạt gần 100.000 tấn, cán mốc 1 tỷ USD, giảm khoảng 17% về lượng nhưng tăng 2% về giá so với năm 2011 do “vượng” giá. Nhờ chất lượng ổn định, hiện hồ tiêu Việt Nam đang được ưa chuộng ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, châu Á, Trung Đông... Theo ông Nam, nếu xét về hiệu quả kinh tế, cây hồ tiêu đang mang lại giá trị vượt bậc khi chỉ chiếm diện tích khiêm tốn (2,5% trong tổng số gần 2 triệu ha của 5 loại cây công nghiệp), nhưng lại chiếm đến hơn 8% giá trị xuất khẩu (của 5 loại cây công nghiệp) cao gấp 6 lần chè, 4 lần cao su, điều…

 

Nhưng không hết lo


Tại Hội nghị về ngành hồ tiêu được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp lo lắng vì tình hình thị trường xuất khẩu, giá cả hồ tiêu trong nước và thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Các nhà nhập khẩu đang dùng mọi chiêu ép giá, chủ yếu trông chờ vào doanh nghiệp trong nước giảm giá để gom hàng đầu cơ, đợi đến khi nguồn cung hạn hẹp sẽ đẩy giá lên. Đặc biệt, do lượng cầu vượt cung, có đơn vị chiếm dụng vốn của khách hàng khi đã ký hợp đồng xuất khẩu, nhận tiền cọc nhưng lại không giao hàng đúng hẹn, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu hồ tiêu Việt Nam về lâu dài. Bên cạnh đó, do giá tiêu tăng cao đã kích thích sản xuất, hiện đang có tình trạng “người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu” mở rộng, phát triển diện tích trồng mới khá mạnh, nhất là những tỉnh Tây Nguyên.


Do tác động của bệnh, thời tiết bất lợi, chăm sóc không đúng quy trình… đã dẫn đến sản lượng năm nay giảm 10-15% so với cùng kỳ. Thực tế, dù giá cao nhưng nhiều địa phương vốn có thế mạnh, truyền thống chuyên canh cây hồ tiêu không có nhiều để bán như tỉnh Đồng Nai sản lượng giảm gần 30%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm hơn 8%... Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhìn về tương lai xa, cây tiêu nước ta đang đối mặt với việc thụ động tìm kiếm và phát triển thị trường, dễ dẫn đến sự thiếu ổn định về giá cả và chất lượng; chưa có thương hiệu nên hay bị các nhà nhập khẩu ép giá… “Chúng tôi đã khuyến cáo bà con không nên chạy theo phong trào, trồng tiêu tự phát tại những nơi điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Về nâng cao hình ảnh cho hồ tiêu, VPA vừa xây dựng thành công thương hiệu hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) và tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia chung cho hồ tiêu Việt Nam”, ông Nam nói thêm.


Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN