Mỹ bế tắc trong đối phó với “vách đá tài chính"

Nước Mỹ đang đối mặt với "vách đá tài chính" hay còn gọi là “vực thẳm tài chính” - một nguy cơ đe dọa quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Đầu tàu kinh tế thế giới có tránh được “vách đá” này hay không, và nếu kịch bản tồi tệ đó xảy ra thì hậu quả sẽ như thế nào, là những câu hỏi không chỉ đang làm chính giới Mỹ cũng như người dân nước này "mất ăn mất ngủ" mà còn khiến các chuyên gia kinh tế toàn cầu phải "đau đầu".


Bất phân thắng bại


"Vách đá tài chính" là thuật ngữ ám chỉ nguy cơ mà nước Mỹ phải đối mặt vào ngày 31/12/2012, khi một loạt đạo luật về giảm thuế tạm thời (điều chỉnh nhiều loại thuế) sẽ hết hạn (nghĩa là sau thời điểm này thuế sẽ tăng), đồng thời luật về cắt giảm chi tiêu ngân sách nhằm thu hẹp thâm hụt cũng có hiệu lực. Năm 2011, các nghĩ sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã thống nhất nếu không đạt được thỏa thuận mới nào thì sẽ tự động cắt giảm chi tiêu và tăng thuế với tổng trị giá lên tới 600 tỷ USD, tương đương 4% GDP.


Quy định miễn giảm thuế thu nhập cá nhân được đưa ra trong nhiệm kỳ Tổng thống George W. Bush, nhưng trong bốn năm của nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, nhằm cứu nền kinh tế và chạy đua tranh cử cho nhiệm kỳ sau, ông Obama đã cho kéo dài quy định này đến cuối năm nay.


Nước Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu không tránh được “vách đá tài chính”. Ảnh: Internet


Nếu chính quyền của Tổng thống Barack Obama thất bại trong việc thúc đẩy quốc hội gia hạn các điều khoản trên, nhiều loại sắc thuế sẽ được tự động tăng lên, chi tiêu công sẽ bị cắt giảm đáng kể và chính phủ Mỹ phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ, ảnh hưởng mạnh tới cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại Mỹ.


Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ còn khoảng ba tuần lễ nữa là chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu bắt đầu có hiệu lực và sẽ tác động mạnh đến đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh của Mỹ, chính quyền Obama vẫn đang bất đồng với quốc hội về vấn đề này - điều có thể đẩy nước Mỹ tới sát "vách đá tài chính".


Mâu thuẫn chủ yếu giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ với phe Cộng hòa là cắt giảm chi tiêu ngân sách phải đồng thời với việc tăng hoặc giảm thuế thu nhập cho người dân. Nhà Trắng và phe Dân chủ kiên quyết đòi phải tăng thuế đối với thiểu số 2% những người giàu nhất nước Mỹ, trong khi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại quốc hội vẫn dứt khoát tuyên bố sẽ bác bỏ mọi đề xuất bao gồm việc tăng thuế đối với tầng lớp thượng lưu.


Nội bộ đảng Cộng hòa ngày 5/12 đã bùng nổ mâu thuẫn xung quanh các đề xuất liên quan tới chính sách tài chính và thuế, sau gần một năm bám giữ lập trường trong cuộc đối đầu với Nhà Trắng và phe Dân chủ. Trước đó một ngày, Nhà Trắng đã bác bỏ đề xuất của các nghị sĩ đảng Cộng hòa về một kế hoạch giảm khoảng 2.200 tỷ USD thâm hụt ngân sách liên bang trong vòng 10 năm tới như một giải pháp để tránh "vách đá tài chính".


Tình trạng tranh cãi bất phân thắng bại về các chính sách tài chính giữa Nhà Trắng và phe Cộng hòa đã làm cho người dân Mỹ thất vọng. Kết quả thăm dò chung của tờ Washington Post và Trung tâm nghiên cứu, công bố ngày 5/12, cho biết, có 49% người Mỹ được hỏi ý kiến nghĩ rằng Nhà Trắng và phe Cộng hòa từ nay đến cuối năm khó đạt được một thỏa thuận về cắt giảm chi tiêu và cải cách bộ luật thuế. Tình huống này nếu xảy ra, có 53% cho rằng trách nhiệm này thuộc về đảng Cộng hòa và 27% đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Obama.


Kịch bản xấu


Tranh cãi giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa diễn ra trong bối cảnh thâm hụt ngân sách Mỹ mỗi năm đang ở mức trên 1.000 tỷ USD, trong khi nợ quốc gia đã vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD. Theo dự báo của Ủy ban Ngân sách Quốc hội Mỹ, nếu kịch bản "vách đá tài chính" xảy ra, GDP của Mỹ sẽ bị giảm 3,9% và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái.


Hai vấn đề đang được quan tâm hiện nay là hiệu ứng của "vách đá tài chính" và cách thức giảm bớt những ảnh hưởng bất lợi của nó. Ngân sách của Mỹ đã bị thâm hụt trong 11 năm liên tiếp và riêng trong bốn năm vừa qua, mỗi năm đều bội chi hơn 1.000 tỷ USD, tương đương 8% và thậm chí 10% GDP. Thêm vào đó, dù chính sách tiền tệ được nới lỏng và đồng USD mất giá nhưng GDP chỉ tăng trưởng 2% và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên dưới 8%. Vì thế, với việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ giảm sút và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.


Giới chuyên gia nhận định, những tác động của "vách đá tài chính" sẽ không giới hạn trong phạm vi nước Mỹ mà còn lan rộng ra toàn thế giới, nhất là Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công, tình trạng suy giảm tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp cao. Theo cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings, "vách đá tài chính" của Mỹ là nguy cơ ngắn hạn lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế thế giới.


Báo cáo của Fitch Ratings nêu rõ: "Vách đá tài chính" mà hậu quả trực tiếp là thắt chặt tài chính quyết liệt có thể sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ và cả nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái. Nó có thể làm giảm ít nhất 50% đà tăng trưởng toàn cầu trong năm 2013.


Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, dù chưa xảy ra nhưng tình trạng không rõ ràng về "vách đá tài chính" đã tác động tới đầu tư và việc làm trên thế giới. Nếu Mỹ thực sự phải đối mặt với "vách đá tài chính", điều này có thể sẽ "cướp" đi 4% tăng trưởng kinh tế của Mỹ và làm giảm niềm tin vốn đã mong manh ở những khu vực khác trên thế giới.


Cuộc tranh cãi tại Oasinhtơn dường như vẫn chưa thể kết thúc nhưng theo nhận định của giới quan sát, nhiều khả năng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ đạt được một thỏa thuận chung nhằm giúp nước Mỹ tránh được "vách đá tài chính". Bởi suy cho cùng, không ai mong muốn phải gánh chịu những tác động bi kịch của thảm cảnh đầu tàu kinh tế thế giới rơi xuống vực thẳm, kéo theo nhiều "toa" trong đoàn tàu thế giới.



Hồng Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN