Các chuyên gia phân tích thuộc Tập đoàn dầu khí BP (Anh) nhận định rằng Mỹ sẽ gần như có thể tự cung tự cấp và đáp ứng nhu cầu của nước này đối với năng lượng vào năm 2030, chủ yếu nhờ sản lượng dầu khí đá phiến tăng cao, trong lúc nhu cầu tiêu thụ trong nước có xu hướng chững lại.
Một giàn khoan khai thác khí đốt thiên nhiên từ đá phiến sét ở Zelienople, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: Internet. |
Báo cáo mới nhất của BP về triển vọng năng lượng toàn cầu cho hay: "Tới năm 2030, sản lượng dầu khí tăng cao và nhu cầu tiêu thụ tăng chậm lại. Điều này sẽ giúp Mỹ có thể tự cung tự cấp tới 99% năng lượng. Năm 2005, nước này mới chỉ tự túc được khoảng 70% năng lượng."
Trong khi đó, với nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Điều này sẽ tác động đáng kể tới cán cân thương mại của các nước.
BP nói thêm rằng sự gia tăng sản lượng các nguồn năng lượng phi truyền thống khác như dầu đá phiến cũng chi phối thị trường năng lượng toàn cầu tới năm 2030. Các nguồn năng lượng phi truyền thống sẽ đóng góp chủ yếu cho sự tăng trên thực tế của nguồn cung toàn cầu cho đến những năm 2020 và 2030.
Hồi tháng 11/2012, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng Mỹ có thể trở thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới trong vòng 2 thập niên tới, vượt qua cả vị trí số 1 hiện nay là Saudi Arabia (Arập Xêút), nhờ sản lượng dầu đá phiến và khí đốt tăng cao.
Minh Trang (Theo AFP)