Giáo sư N. Roubini (New York, Mỹ), chuyên gia kinh tế nổi tiếng vì dự báo chính xác tình hình khủng hoảng tài chính hiện nay, đã cảnh báo nền kinh tế thế giới đang đứng trước những nguy cơ mới. Giáo sư nói: "Hiện đã thấy rõ những dấu hiệu của sự suy yếu, trong khi các nước tiếp tục đi trên con đường gia tăng nợ của nhà nước và của tư nhân. Chậm nhất là vào năm 2013, tất cả các khoản nợ nần này sẽ cho thấy hậu quả của nó. Cơn bão kinh tế toàn diện có thể đổ ập xuống kinh tế thế giới vào năm 2013". Kinh tế thế giới hiện đang chịu tác động của một số yếu tố tiêu cực như quá trình tái cấu trúc nợ ở châu Âu, tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và những vấn đề tài chính khó khăn của Mỹ.
Những dự báo đan xen
Các chuyên gia phân tích nhận định, năm 2013, kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nếu quốc hội nước này không thể phanh được chương trình cắt giảm chi tiêu và tăng thuế như đã được hoạch định vào tháng 1/2013.
Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) nhận định, nếu các điều kiện tài chính theo thỏa thuận hiện nay được thực thi, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị âm 1,3% trong 6 tháng đầu năm 2013. Sự sụt giảm này có thể bị coi là suy thoái. CBO dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng trở lại trong nửa cuối của năm 2013, với nhịp độ 2,3% và GDP của cả năm tới ước tăng 0,5%. Con số trên thấp hơn nhiều so với dự báo mà CBO đưa ra hồi tháng 1/2012 là GDP tăng 1,1% trong cả năm 2013. Tuy nhiên, nếu các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thay đổi chính sách tài chính vào cuối năm 2012 có thêm các biện pháp nhằm hỗ trợ thì nhịp độ tăng GDP của Mỹ năm 2013 sẽ ở mức khoảng 4,4%.
Thợ mỏ Tây Ban Nha bật sáng đèn trên mũ biểu tình trên đường phố Leon ngày 12/6/2012. Họ phản đối chính phủ giảm trợ cấp từ 300 triệu euro xuống 110 triệu euro. Ảnh: AFP/TTXVN |
OECD cũng cảnh báo về sự thu hẹp tài chính Mỹ trong năm tới có thể khiến đà phục hồi kinh tế đi chệch hướng nếu các nhà lập pháp không sớm hành động. OECD cũng kêu gọi chính phủ chỉ nên thắt chặt ngân sách từng bước một. OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,4% năm 2012 và 2,6% năm 2013, trên cơ sở giả định thâm hụt ngân sách Mỹ giảm tương ứng 1% GDP và 1,5% GDP.
Triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới đến nay vẫn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào những diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Các nhà dự báo chuyên nghiệp tham gia cuộc khảo sát Survey of Professional Forecasters (SPF) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm nay và năm tới. Theo đó, kinh tế khu vực này sẽ giảm 0,1% trong năm 2012 và chỉ tăng trưởng trở lại ở mức 1,1% trong năm 2013, thấp hơn so với các mức dự đoán trước đó. ECB cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Eurozone u ám hơn là do nhiều quốc gia thành viên củng cố lại nền tài chính, trong khi các điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn trước, lòng tin suy giảm và mức độ bất ổn gia tăng trên khắp khu vực.
Kinh tế thế giới có thể phải đối mặt với cú sốc mới nếu tình hình Hy Lạp tiếp tục rối ren. Các nỗ lực cứu trợ của châu Âu đối với nước này dường như chưa đem lại hiệu quả. Kho bạc Nhà nước Hy Lạp có thể hết tiền vào đầu tháng 7/2012 và trong trường hợp xấu nhất, Hy Lạp có thể phải tạm thời ngừng trả tiền lương và lương hưu, đồng thời ngừng nhập khẩu nhiên liệu, lương thực và dược phẩm. Tiền lương và lương hưu trong cả lĩnh vực công và tư nhân đã bị cắt giảm tới 50%, mục tiêu thu thuế trong 4 tháng đầu năm của Hy Lạp thiếu hụt 495 triệu euro. Văn phòng Kế toán Tổng hợp Hy Lạp gần đây cho biết, doanh thu mà nhà nước thu được trong tháng 5/2012 giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Hy Lạp đã phải cắt giảm mục tiêu thu 50 tỷ euro từ khu vực tư nhân xuống còn 3 tỷ euro do các nhà đầu tư nước ngoài mất lợi nhuận. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa những giải pháp sửa chữa nghiệt ngã nhằm vực dậy kinh tế hay nhượng bộ đòi hỏi của người dân trong bối cảnh các cuộc biểu tình, đình công đã nổ ra ở nhiều nước.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận xét, khủng hoảng nợ công tại châu Âu dai dẳng và ngày càng khốc liệt hơn. Hy Lạp có nguy cơ rời khỏi Eurozone và kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Tây Ban Nha trở lại "tâm bão" và hiện đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, với những lo ngại về khả năng chính phủ nước này thúc đẩy một chương trình "thắt lưng buộc bụng" quy mô lớn vào thời điểm kinh tế đang rơi trở lại suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos khẳng định năm 2013 triển vọng của quốc gia châu Âu này sẽ tích cực hơn mặc dù 2012 là một năm khó khăn đối với Mađrít.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế châu Âu là Đức - động lực tăng trưởng của kinh tế khu vực. Bộ trưởng kinh tế Đức, Philipp Roesler, cho hay nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ tăng trưởng 0,7% năm 2012 và 1,6% năm 2013. Chỉ số lòng tin kinh doanh của viện kinh tế Ifo (Đức) đã liên tục tăng trong 6 tháng trở lại đây.
Trong bối cảnh các thị trường nợ có nhiều xáo động, giới đầu tư vẫn đổ xô cho vay tại Đức, được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn trong "ngày giông bão". Chính phủ Đức dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Đức sẽ giảm xuống 6,7% năm 2012 và xuống mức thấp kỷ lục 6,5% năm 2013. Tuy nhiên, Bộ trưởng Roesler cảnh báo những rủi ro từ môi trường quốc tế vẫn ở mức cao trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu chưa đi tới hồi kết. Một rủi ro nữa là nếu giá dầu mỏ tăng cao cũng có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng Đức.
Châu Á trong vòng vây thách thức
Thách thức trực tiếp nhất là cuộc khủng hoảng ở Eurozone có nguy cơ tái diễn và lan rộng tới các khu vực khác của thế giới. Tại Hội nghị hàng năm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở thủ đô Manila (Philíppin), Phó Tổng Giám đốc IMF, Naoyuki Shinohara nhấn mạnh tác động nguy hiểm của khủng hoảng ở Eurozone đối với châu Á do những quan hệ tài chính và thương mại chặt chẽ giữa hai khu vực. Các nền kinh tế châu Á mới nổi vẫn phải đối mặt với nguy cơ từ các dòng vốn quá biến động hoặc quá mạnh, hoặc kết hợp cả hai hiểm họa này. Nếu các thị trường liên ngân hàng toàn cầu lại bị tê liệt và các ngân hàng châu Âu bị rối loạn, nguồn cung tín dụng cho châu Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, các nền kinh tế châu Á cũng phải đối mặt với hiểm họa khác là biến động giá hàng hóa và lương thực. Căng thẳng địa chính trị có thể đẩy giá dầu tăng cao và điều này tác động đến các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu. Cơn sốc giá dầu này sẽ tác động đến giá các hàng hóa khác và giá lương thực, dẫn đến lạm phát cao ở hầu hết các nền kinh tế châu Á.
Tuy nhiên, các nền kinh tế châu Á sẽ có được động lực phát triển mới vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Dự báo này dựa trên cơ sở phối hợp giữa tốc độ tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế công nghiệp phát triển của châu lục này. Trung Quốc hiện là nước đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng như quặng sắt, đồng và than. Nhưng gần đây, những dự báo về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, thậm chí có thể ở dưới mốc 7%, đã ảnh hưởng tới một số thị trường.
Trước tình hình đó, Trung Quốc đã quyết định từ ngày 8/6 giảm lãi suất cơ bản của nước này 0,25 điểm phần trăm - đánh dấu sự mở đầu thực sự của chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của nước này. Nhà kinh tế Tôn Quân Vĩ thuộc Ngân hàng HSBC tại Bắc Kinh cho rằng, việc hạ lãi suất chứng tỏ chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh và tăng cường chính sách kích thích. Những rủi ro suy giảm tăng trưởng đang tiếp tục đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc và trở thành mối lo hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, chứ không phải là lạm phát. Đa số nhà đầu tư cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2013 sẽ xấp xỉ ở mức 8% và sẽ không "hạ cánh cứng".
Bà Laura D’Andrea Tyson, nữ Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng cố vấn kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton, khẳng định tuy bức tranh kinh tế toàn cầu sau 5 năm khủng hoảng vẫn ảm đạm nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau đang ngày càng tăng lên của các nền kinh tế cũng đã đem lại những lợi ích kinh tế to lớn, bất chấp nguy cơ tái diễn bất cứ cuộc khủng hoảng hoặc suy thoái nào của nền kinh tế toàn cầu.
Tố Uyên